SpStinet - vwpChiTiet

 

Hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ: Hiệu quả, thực chất

Giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam đã tham gia đầy đủ, có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào hầu hết các khuôn khổ hợp tác khoa học - công nghệ (KH&CN) song phương, đa phương của khu vực và quốc tế.

Thời gian qua, hoạt động hợp tác song phương và đa phương về KH&CN đã được thúc đẩy hiệu quả, thực chất theo hướng tích cực tiếp thu kinh nghiệm, tranh thủ sự hỗ trợ, nguồn lực của các nước tiên tiến, góp phần vào quá trình đổi mới phương thức quản lý, hoạt động, rút ngắn khoảng cách phát triển về trình độ KH&CN với thế giới.

Hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ: Hiệu quả, thực chất
Hợp tác quốc tế góp phần nâng cao trình độ nghiên cứu trong nước

Cụ thể, trong khuôn khổ hợp tác song phương, Bộ KH&CN đã tích cực, chủ động đàm phán, ký kết và triển khai khoảng 30 điều ước, thỏa thuận quốc tế mới với đối tác có tiềm lực mạnh về KH&CN. Đồng thời, chủ trì và tham gia 60 hội nghị đánh giá tình hình, hiệu quả hợp tác, xác định các trọng tâm hợp tác của Ủy ban Liên Chính phủ, Ủy ban/Tiểu ban hợp tác KH&CN với các đối tác quốc tế.

Trong khuôn khổ hợp tác đa phương, Bộ KH&CN đã chủ động thúc đẩy sự tham gia sâu của Việt Nam vào các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam, thông qua các hoạt động như: Tham gia, đóng góp tích cực vào các phiên họp thường niên của Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); triển khai hiệu quả hoạt động hợp tác với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO)…

Đặc biệt, trong quá trình đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), Bộ KH&CN đã tích cực tham gia, đóng góp vào nội dung về sở hữu trí tuệ và hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Việc chuẩn bị tốt phương án đàm phán và trực tiếp tham gia đàm phán đã góp phần quan trọng vào sự thành công chung của các FTA mà Việt Nam tham gia.

Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ KH&CN - cho biết: Thời gian qua, Vụ đã cử nhiều cán bộ tham gia đoàn công tác nhằm xúc tiến hợp tác khoa học quốc tế giữa các viện, trường, doanh nghiệp; tham gia khóa bồi dưỡng, trao đổi thông tin, diễn đàn, hội thảo quốc tế về khoa học và hợp tác song phương, đa phương; cung cấp thông tin, ý kiến đối với chương trình hợp tác quốc tế của các đơn vị khác trong và ngoài bộ, đặc biệt là về những nội dung chủ chốt như tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng, an toàn thực phẩm, phương pháp và công cụ tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tiêu biểu như, Vụ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị thuộc Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình xây dựng, ký kết “Nghị định thư về yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc”; trong năm 2018, Bộ Công Thương và bộ, ngành công nghiệp cơ bản New Zealand đã ký Thỏa thuận hợp tác về an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng; năm 2019, Vụ KH&CN đã ký kết Biên bản ghi nhớ về Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong hệ thống điện về an toàn điện với Hiệp hội Điện lực Hàn Quốc.

Trong năm 2020, để giúp doanh nghiệp trong nước có thông tin xuất khẩu các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 sang thị trường EU và Mỹ, Vụ KH&CN đã phối hợp với đơn vị trong Bộ Công Thương trao đổi, làm việc với tổ chức chứng nhận quốc tế có chi nhánh tại Việt Nam (Công ty TNHH Eurofins Consumer Product Testing Việt Nam, Công ty TNHH BSI Việt Nam, Công ty TNHH Bureau Veritas Certification Việt Nam) về quy trình thủ tục, quy định kỹ thuật, thông tin thử nghiệm trong việc cấp nhãn CE và đăng ký FDA.

Trong năm 2021, ngành KH&CN tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chung để tranh thủ nguồn lực, tri thức của các quốc gia tiên tiến; đồng thời từng bước nâng tầm năng lực, trình độ nghiên cứu trong nước.

Nguồn: Quỳnh Nga - congthuong.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả