Nghiên cứu thực trạng suy tuyến giáp trên bà mẹ mang thai
20/04/2017
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Suy tuyến giáp là tình trạng giảm chức năng tuyến giáp, sản xuất hormon tuyến giáp không đầy đủ so với nhu cầu của cơ thể. Bệnh lý tuyến giáp nếu không được điều trị trong thời gian mang thai sẽ làm tăng tỷ lệ thiếu máu ở mẹ, tiền sản giật, xuất huyết, rau bong non, sẩy thai tự nhiên và có thể gây ra nhẹ cân, sinh non, dị tật bẩm sinh, suy giảm phát triển não bộ của thai nhi… Tuy vậy, bệnh lý diễn ra khá “thầm lặng”, hầu như không có triệu chứng lâm sàng nên dễ gây sự chủ quan và bị bỏ sót trong quá trình mang thai của thai phụ. Do đó, việc xác định tỷ lệ suy giáp sớm bằng các xét nghiệm ở phụ nữ mang thai là rất quan trọng để đề ra các giải pháp can thiệp và điều trị kịp thời.
Trong đề tài “Nghiên cứu thực trạng suy tuyến giáp trên bà mẹ mang thai đến khám và quản lý thai nghén tại bệnh viện Phụ sản Hải Phòng”, nhóm nghiên cứu bệnh viện đã tiến hành xét nghiệm mẫu máu trên 2100 thai phụ.
58/2100 thai phụ (chiếm 2,8%) được chẩn đoán suy giáp nhờ xét nghiệm TSH (đo lượng hormone kích thích tuyến giáp). Ở 58 thai phụ này, tiếp tục làm xét nghiệm nội tiết FT4 để chẩn đoán tình trạng suy giáp (lâm sàng và cận lâm sàng) và Ab-TPO nhằm đánh giá nguyên nhân gây bệnh suy giáp.
Qua đó, đề tài đã xây dựng quy trình sàng lọc, đặc biệt xây dựng được giá trị tham chiếu TSH (giá trị TSH bình thường của thai phụ ở quý 1 của thai kỳ có nồng độ trung bình là 1,23µIU/mL, quý 2 và quý 3 có giá trị tham khảo là 0,8-3,8µIU/mL và 1-3,95µIU/mL). Đồng thời xây dựng các giải pháp khác về nâng cao hiệu quả nhận thức về bệnh của cơ sở y tế và bà mẹ mang thai; chẩn đoán và điều trị sớm nhằm hạn chế tai biến.
Đề tài có ý nghĩa lớn trong việc đề xuất số liệu tham chiếu TSH, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả phát hiện và điều trị sớm cho phụ nữ mang thai bị suy giáp.
Nguồn: most.gov.vn