Thực nghiệm nuôi tôm càng xanh trong vùng nước lợ tỉnh Trà Vinh
24/09/2015
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Trong những năm gần đây, nuôi tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) ngày càng phát triển ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài môi trường nước ngọt, tôm càng xanh còn được nuôi trong môi trường nước lợ.
Công trình nghiên cứu nuôi tôm càng xanh trong vùng nước lợ tỉnh Trà Vinh của các tác giả Huỳnh Kim Hường (khoa Nông nghiệp - Thủy sản, Đại học Trà Vinh), Lê Quốc Việt, Đỗ Thị Thanh Hương và Trần Ngọc Hải (khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ) đã đưa ra những đánh giá về hiệu quả của việc nuôi tôm càng xanh trong môi trường nước lợ.
Nghiên cứu được thực hiện thí điểm ở 3 huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang và Trà Cú thuộc tỉnh Trà Vinh trong thời gian 6 tháng cuối năm 2013. Với 9 ao nuôi, diện tích 4000m2/ao, cân nặng trung bình của tôm giống là 0,02g/con, mật độ thả là 7con/m2. Độ mặn trung bình của nước ao dao động trong khoảng 3,36 – 6,33%0 trong suốt quá trình nuôi. Sau thời gian 6 tháng, kết quả cho thấy tốc độ tăng trưởng, năng suất và hiệu quả kinh tế của điểm nuôi có độ mặn cao hơn sẽ tốt hơn. Môi trường nước ở Duyên Hải và Trà Cú có nồng độ mặn hơn nên trọng lượng tôm khi thu hoạch là 39,53g/con và 36,11g/con, nặng hơn so với tôm ở Cầu Ngang (26,51g/con); năng suất tương ứng đạt 1324,5kg/ha/vụ và 1269,17kg/ha/vụ, cao hơn Cầu Ngang (987,5kg/ha/vụ); hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) cũng thấp hơn. Hiệu quả kinh tế ở các địa điểm dao động từ 92,19 -216,75 triệu đồng/ha/vụ, tỉ suất lợi nhuận đạt từ 1,21- 2,76.
Từ kết quả đạt được, các tác giả tiếp tục nghiên cứu nuôi tôm càng xanh luân canh với tôm sú ở những vùng nước có nồng độ mặn cao hơn nhằm đánh giá hiệu quả của mô hình và thúc đẩy khả năng phát triển nghề nuôi tôm càng xanh ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn: Tạp chí NN&PTNT kỳ 1 tháng 7/2015