Quét mã vạch trên thẻ bằng điện thoại di động và ứng dụng trong điểm danh
03/03/2015
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đây là đề tài nghiên cứu của các tác giả Đoàn Hòa Minh (Trường ĐH Cần Thơ) và Lưu Minh Thái. Hệ thống gồm phần mềm trên điện thoại di động và máy tính (PC).
Các thư viện Zxing, Mcrypt và winzipaes đã được vận dụng để phát triển phần mềm trên điện thoại với các chức năng chính như: điểm danh theo sự kiện bằng cách quét mã vạch trên thẻ, xem lịch sử điểm danh, đóng gói dữ liệu thành tập tin nén có mật mã để gửi đến PC. Phần mềm trên PC có chức năng xử lý, tổng hợp, thống kê và trình bày kết quả. Hệ thống đã được thử nghiệm thành công thông qua việc điểm danh trên thẻ sinh viên và thẻ viên chức ở Trường Đại học Cần Thơ.
Hiện nay, đầu quét mã vạch (barcode scanner) chuyên nghiệp có thể mua dễ dàng với giá không cao. Tuy nhiên, để vận hành, đầu quét mã vạch phải được kết nối với máy tính hoặc thiết bị xử lý (gọi chung là máy chủ), nên chỉ thích hợp cho các hệ thống cố định. Đầu quét mã vạch cũng chưa được ứng dụng trong việc điểm danh (học sinh, sinh viên trong lớp học; người tham gia các buổi sinh hoạt, hội họp,…), vì trong các trường hợp này cần có sự cơ động, gọn nhẹ. Dự án phần mềm nguồn mở ZXing (viết tắt của Zebra Crossing) đã cung cấp thư viện hỗ trợ xây dựng phần mềm đọc mã vạch cho thiết bị chạy trên nền tảng Android (Barcode Scanner for Android) và các nền tảng khác, cho phép người dùng có thể sử dụng camera của điện thoại di động để quét mã vạch mà không cần kết nối với máy chủ trong lúc vận hành. Điện thoại thông minh ngày nay cũng trở nên phổ biến với giá thành thấp. Từ đó, mở ra triển vọng xây dựng nhiều ứng dụng với chức năng quét mã vạch của điện thoại thông minh.
Hệ thống điểm danh bằng cách dùng điện thoại thông minh đọc mã vạch in trên thẻ do nhóm nghiên cứu phát triển đã tích hợp được các thư viện ZXing, Mcrypt và winzipaes, phát triển thêm nhiều chức năng mới cho phần mềm quét mã vạch trên điện thoại thông minh, phối hợp với phần mềm trên máy tính và thực hiện truyền dữ liệu qua mạng internet hoặc mạng viễn thông. Giải pháp này đã giúp cho việc điểm danh trở nên nhanh gọn, ít tốn công sức, tăng tính trung thực và tiện lợi trong việc tìm kiếm, thống kê, tổng hợp, sao lưu dữ liệu. Đặc biệt là trong các trường hợp hội họp đông người, có nhiều đơn vị tham gia hoặc các lớp học có nhiều học sinh, sinh viên và phải điểm danh nhiều lần trong học kỳ. Hệ thống có thể đưa vào sử dụng trong trường học, các cơ quan, doanh nghiệp.
Nguồn: Khoa học Phổ thông