Ảnh hưởng của hệ thống chống ngập úng TP.HCM đến môi trường và nước biển dâng
17/10/2013
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Nhóm tác giả Nguyễn Phú Bảo, Phạm Hồng Nhật, Lê Văn Tâm (Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và bảo vệ môi trường) thực hiện nghiên cứu về ảnh hưởng của hệ thống chống ngập úng đến sự thay đổi chất lượng nước khu vực TP.HCM trong trường hợp nước biển dâng thêm 30cm trên cơ sở tính toán dựa theo mô hình Mike 11.
Dự án quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM đã được phê duyệt theo quyết định 1547/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ. Một trong những mục tiêu quan trọng của dự án là “góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường”. Tuy nhiên, quy mô lớn nên việc vận hành hệ thống có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng môi trường nước khu vực, đặc biệt trong trường hợp chịu ảnh hưởng bởi nước biển dâng.
Kết quả nghiên cứu trong trường hợp nước biển dâng thêm 0,3m đã cho thấy mức độ ô nhiễm trong vùng phía trong các cống kiểm soát tăng lên đáng kể như ô nhiễm hữu cơ tăng 49%, chất rắn lơ lửng tăng 15%, ô nhiễm dinh dưỡng (xét theo ammoniac) tăng trên 20%, vi sinh vật tăng 25%... Đặc biệt là độ mặn tăng đáng kể ở vùng ngoài các sông (15-39%).
Nguyên nhân là do nước biển dâng, các cống không vận hành và nước không lưu thông nên mức độ ô nhiễm gia tăng do ngày càng phải tiếp nhận nhiều loại chất thải. So sánh với kịch bản 0 (giữ nguyên hiện trạng, không triên khai xây dựng hệ thống chống ngập úng), do phải ứng phó với mực nước biển dâng thêm 30cm, quy trình vận hành sẽ phải thay đổi theo chiều hướng tích nước phía trong vùng nghiên cứu nên mức độ ô nhiễm gia tăng đáng kể. Như vậy để giảm thiểu ô nhiễm trong vùng nghiên cứu trong trường hợp nước biển dâng, bắt buộc phải có hệ thống bơm nước đặt ở các cống chính nhằm thoát nước ra sông, đảm bảo dòng chảy liên tục nhằm giảm mức độ ô nhiễm.
LV (nguồn: Kỷ yếu HN ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM lần 1)