Nghiên cứu giảm kích thước và đồng nhất hóa tiểu phân liposom doxorubicin bằng phương đẩy qua màng
19/08/2014
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Tác giả Nguyễn Thị Lập (Trường Đại học Dược Hà Nội) thực hiện nghiên cứu ứng dụng phương pháp đẩy qua màng, làm giảm kích thước và đồng nhất hóa tiểu phân liposom doxorubicin nhằm tăng hiệu quả điều trị ung thư.
Hiện nay liposom kích cỡ nano được coi là một trong những hệ vận chuyển dược chất chống ung thư đến đích đầy triển vọng. Kích cỡ của hệ vận chuyển rất quan trọng đối với việc tải thuốc tới mô ung thư. Các mô ung thư có đặc điểm nổi bật là sự phát triển hệ mạch máu xung quanh có lỗ hổng thành mạch từ 100-780 nm, lớn hơn các mô bình thường. Kích thước phù hợp nhất để liposom phân bố tập trung ở khối u là từ 100-200nm, vừa đủ để chỉ chọn lọc vào mô ung thư, không ảnh hưởng đến mô bình thường. Gần đây nhiều nghiên cứu trong nước đã phát triển dạng thuốc điều trị ung thư liposom doxorubicin, tuy nhiên bước làm nhỏ và đồng nhất hóa tiểu phân chủ yếu bằng phương pháp siêu âm nên liposom thu được có kích thước và phân bố kích thước chưa đồng đều, dẫn tới dễ bị kết tụ trong quá trình bảo quản và giảm hiệu quả điều trị.
Từ nguyên liệu là phospholipd lòng đỏ trứng đã hydrogen hóa, cholesterol và doxorubucin hydroclorid, nghiên cứu được tiến hành qua các bước: tạo tiểu phân liposom nhiều lớp theo phương pháp của Bangham; giảm kích thước tiểu phân và đồng nhất hóa bằng phương pháp đẩy qua màng; giảm kích thước tiểu phân và đồng nhất hóa bằng phương pháp siêu âm đầu dò; liposom hóa doxorubicin bằng kỹ thuật chênh lệch nồng độ amoni sulfat.
Kết quả cho thấy, đẩy hỗn hợp dịch liposom thô 8 lần qua màng 400nm và tiếp tục đẩy 10 lần qua màng 80nm thu được hệ liposom có kích thước trung bình 108,8nm và PDI (chỉ số đa phân tán) là 0,072. Kết quả nghiên cứu cũng chứng minh được các ưu điểm của phương pháp đẩy qua màng so với phương pháp siêu âm đầu dò trong giảm kích thước và đồng nhất hóa tiểu phân liposom.
MN (nguồn: Tạp chí Dược học, số 4/2014)