Phòng trừ nhện đỏ hai chấm hại cây dưa lê trong nhà lưới bằng nhện nhỏ bắt mồi
19/10/2015
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Tác giả Trần Văn Lâm và các cộng sự thuộc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, Đại học Nông lâm TP.HCM, Viện Sinh học nhiệt đới nghiên cứu thực nghiệm sử dụng nhện nhỏ bắt mồi (Amblyseius longispinosus) để kiểm soát nhện đỏ hai chấm (Tetranychus urticae) hại cây dưa lê, làm cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu ứng dụng biện pháp sinh học kiểm soát dịch hại trong nhà kính, nhà lưới tại TP.HCM.
Qua các công thức thí nghiệm phòng trừ nhện đỏ bằng nhện bắt mồi trên cây dưa lê trồng trong nhà lưới cho thấy, thả nhiễm nhện nhỏ bắt mồi theo hai tỷ lệ 1 nhện bắt mồi/3 nhện đỏ và 1 nhện bắt mồi/5 nhện đỏ mang lại hiệu quả kiểm soát nhện đỏ hại dưa lê khá cao. Kết quả đã làm giảm được số nhện đỏ gây hại trên cây có ý nghĩa khác biệt so với đối chứng không phun và phun thuốc trừ sâu 2 lần/vụ, giúp tăng 17,2% – 18,6% năng suất thực tế.
Việc sử dụng nhện bắt mồi trong điều kiện thí nghiệm để kiểm soát nhện đỏ trên cây dưa lê đã làm tăng tỷ lệ quả loại 1 (6,5% - 8%) và giảm tỷ lệ quả loại 2 (6,0% - 6,2%), loại 3 (0,5% - 1,5%) so với đối chứng, từ đó có thể tăng giá trị thương phẩm của dưa lê.
LV (nguồn: TC Bảo vệ thực vật, số 2-2015)