Phân vùng chức năng vùng bờ đã được nghiên cứu và áp dụng khá rộng rãi ở các nước trên thế giới và trở thành công cụ quan trong trong việc quản lý nguồn tài nguyên cho mục tiêu phát triển bền vững ở vùng bờ. Ở Việt Nam, nghiên cứu phân vùng chức năng vùng bờ được quan tâm từ những năm 2000, cho đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu, dự án triển khai, có nhiều tỉnh áp dụng phân vùng chức năng vùng bờ vào quá trình khai thác, quản lý tài nguyên vùng bờ.
Vùng bờ TP.HCM là cửa ngõ duy nhất để phát triển ra phía biển của thành phố. Với đặc thù về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên cũng như tài nguyên nhân văn đã tạo cho vùng bờ ở đây có vị trí và vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong những năm gần đây, chủ trương phát triển thành phố ra phía biển nên vùng bờ TP.HCM đã có nhiều dự án lớn về đô thị, du lịch, công nghiệp, phát triển cảng đồng thời cùng với những tác động của BĐKH đã và đang ảnh hưởng đến quá trình khai thác sử dụng tài nguyên ở đây.
Đề tài thực hiện nghiên cứu vùng bờ TP.HCM bao gồm phần đất liền ven biển và phần biển ven bờ, trong đó phần đất ven biển là địa giới hành chính 4 xã có biển là Lý Nhơn, Long Hòa, Thạnh An và thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ); phần biển ven bờ là vùng biển thuộc địa phận TP.HCM từ đường bờ ra ngoài biển 6 hải lý. Đối tượng nghiên cứu là điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, môi trường và kinh tế - xã hội vùng bờ TP.HCM.
Từ những số liệu đo đạc thực tế, số liệu thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, đề tài đã đánh giá được quá trình tự nhiên ảnh hưởng đến vùng bờ dưới sự hỗ trợ của các phương pháp hiện đại như: mô hình Mike, GIS, viễn thám. Những quá trình được đánh giá bao gồm: quá trình diễn biến thay đổi đường bờ, trường sóng biển, dòng chảy, tác động của thủy động lực đến xói lở và bồi tụ, sự lan truyền các chất ô nhiễm đồng thời cũng tổng hợp những tác động của BĐKH đến vùng bờ TP.HCM.
Theo đó, nhóm tác giả phân vùng chức năng vùng bờ TP.HCM thành 4 vùng có sự đồng nhất tương đối về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, đồng thời xác định được 18 đơn vị tiểu vùng trên lãnh thổ vùng bờ TP.HCM. Cụ thể: (I) vùng rừng ngập mặn, diện tích 25.229,70 ha, với 8 tiểu vùng; (II) vùng đất cát ven sông Soài Rạp, diện tích 4.971,0 ha, 4 tiểu vùng; (III) vùng đất cát ven biển, diện tích 1.840,77 ha, có 3 tiểu vùng; (IV) vùng ngập nước cửa sông-ven biển, diện tích 34.440,13 ha với 3 tiểu vùng. Đây là cơ sở cho mục tiêu phát triển bền vững vùng bờ, ứng phó với BĐKH.
Bằng việc áp dụng các phương pháp phân tích tổng hợp, chuyên gia, phân tích SWOT, đề tài đã làm rõ đặc điểm, các chức năng nội tại cũng như xác định các chức năng chính và chức năng phụ cho từng tiểu vùng. Trên cơ sở các chức năng chính của tiểu vùng, đề tài đã thành lập được bản đồ phân vùng chức năng vùng bờ TP.HCM với 4 nhóm chức năng chính là:
(1) Chức năng bảo vệ bảo tồn: xác định được 1 tiểu vùng bao gồm các tiểu vùng có chức năng bảo tồn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, cảnh quan (I.1), tổng diện tích tự nhiên là 3.226,32 ha chiếm 4,9% tổng diện tích vùng nghiên cứu.
(2) Chức năng bảo vệ - phục hồi hệ sinh thái: đây là chức năng có số lượng tiểu vùng lớn nhất gồm 7 tiểu vùng, là các tiểu vùng I.2, I.3, I.4, I.5, I.6, I.7, I.8 với diện tích 22.003,38 ha chiếm 33,1 % diện tích vùng nghiên cứu.
(3) Chức năng không gian sinh sống: là các tiểu vùng hiện trạng là vùng dân cư ở nông thôn, đô thị. Kết quả nghiên cứu đã xác định được 4 tiểu vùng là II.1, III.1, III.3, IV.1 với diện tích 2.161,82 ha chiếm 3,2% tổng diện tích vùng nghiên cứu.
(4) Chức năng phát triển kinh tế - xã hội: là tiểu vùng có diện tích lớn nhất, bao gồm các tiểu vùng có chức năng phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, giao thông, cảng,… Kết quả đã xác định được 8 tiểu vùng với 39.090,08 ha chiếm 58,8% diên tích vùng nghiên cứu.
Đề tài cũng xây dựng được WebGIS nhằm quản lý cơ sở dữ liệu bản đồ phân vùng chức năng. Đồng thời đề xuất định hướng giải pháp và quy tắc sử dụng tài nguyên vùng bờ. Cụ thể là các hoạt động được phép và không được phép ở các tiểu vùng bảo vệ bảo tồn; tiểu vùng phục hồi, bảo vệ; tiểu vùng không gian sống; tiểu vùng phát triển nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp; tiểu vùng đánh bắt hải sản ven bờ, giao thông. Đây được xem như những giải pháp quan trọng để sử dụng kết quả nghiên cứu vào điều kiện thực tế một cách thuận lợi nhất.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Lam Vân (CESTI)