Tốc độ đô thị hóa và dân số tăng nhanh chóng kéo theo nhu cầu về thực phẩm sạch, đặc biệt là rau an toàn ngày càng tăng cao. Trong đó, xà lách là một loại rau quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của nhiều gia đình, nên nhu cầu của thị trường về rau xà lách hiện tại là rất lớn, đòi hỏi các cơ sở phải đầu tư công nghệ và các tiến bộ khoa học vào trồng trọt để tạo ra các sản phẩm xà lách có chất lượng cao, an toàn, mẫu mã đa dạng và giá thành hợp lý, đồng thời đảm bảo cung ứng kịp thời cho người tiêu dùng.
Hiệu quả của việc sử dụng đèn LED vào trồng trọt đã được khoa học chứng minh và áp dụng tại nhiều nước có nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới. Đèn LED cho phép trồng trọt cả năm, bất chấp sự biến động của thời tiết, nhưng giá trị dinh dưỡng, sản lượng và năng suất cây trồng vẫn rất cao. Ngoài ra, đèn LED còn có ưu điểm là thân thiện với môi trường, không chứa thủy ngân, dễ dàng vận hành và điều chỉnh, cũng như thay thế hay bảo trì.
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện 2 nội dung chính, bao gồm: khảo sát thời gian chiếu sáng của đèn LED thích hợp cho sự sinh trưởng và năng suất của rau xà lách thủy canh với thời gian chiếu sáng là 6, 8, 10, 12, 14 và 16 giờ/ngày; khảo sát tỷ lệ giữa ánh sáng đèn LED đỏ và đèn LED xanh thích hợp cho sự sinh trưởng, năng suất và chất lượng của rau xà lách thủy canh với các tỷ lệ đèn 100% xanh dương, 100% đỏ, 90% đỏ + 10% xanh dương, 80% đỏ + 20% xanh dương, 70% đỏ + 30% xanh dương và 60% đỏ + 40% xanh dương.
Kết quả cho thấy, sử dụng đèn LED với tỷ lệ 80% đỏ + 20% xanh dương hoặc 70% đỏ + 30 % xanh dương để trồng xà lách thủy canh với thời gian chiếu sáng từ 8 – 10 giờ/ngày cho kết quả tốt nhất về chiều dài vuốt lá (29,12 – 30,6cm), số lá (18,2 – 18,8 lá/cây), khối lượng tươi (48,33 – 54,67g), khối lượng khô (2,96 – 3,57g), năng suất lý thuyết (1.185 – 1.360g/cây), năng suất thực (1.178,33 – 1.205g/cây) hàm lượng diệp lục tố (10,16 – 10,45 µg/g) và hàm lượng nitrat dưới mức cho phép.