Mô hình điện gió xử lý nước thải sinh hoạt xả thải từ tàu du lịch
Nhóm sinh viên Nguyễn Đình Thiệu, Đồng Như Cường, Trần Anh Hân, Võ Phúc Hậu (Đại học Kiến trúc TP.HCM) đã thực hiện đề tài “Thiết kế mô hình điện gió xử lý nước thải sinh hoạt xả thải từ tàu du lịch trên khu vực Bến Nghé - sông Sài Gòn”. Đề tài đã đoạt giải khuyến khích giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka 2017.
Nguyễn Đình Thiệu (đại diện nhóm tác giả) cho biết, ý tưởng đề tài được nhóm ấp ủ suốt gần hai năm, sau đó triển khai thực hiện dưới sự hướng dẫn của giảng viên Nguyễn Thị Minh Trang và Nguyễn Lê Duy Luân. Kết quả mô hình hệ thống điện gió Darrieus và hệ thống xử lý nước thải theo phương pháp xử lý sinh học hiếu khí từng mẻ kết hợp giá thể sinh học từ nắp và vỏ chai nhựa cho tàu du lịch được nghiên cứu thực hiện thành công. Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương đã nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu này và tiếp tục hoàn thiện để đưa vào ứng dụng thực tiễn.
Sử dụng công nghệ xử lý nước thải sinh học hiếu khí từng mẻ kết hợp sử dụng các giá thể từ nắp và vỏ chai nhựa để xử lý nguồn nước thải sinh hoạt của tàu là ưu điểm lớn của đề tài khi tận dụng các vật liệu đã qua sử dụng, đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường. Các nắp chai nhựa vừa dễ tìm, dễ thu gom từ tàu du lịch, lại bền, có tuổi thọ dài, giúp giảm nhẹ chi phí đầu tư ban đầu, nâng cao chất lượng nước sau xử lý thải ra sông và dễ dàng thay rửa thủ công các lớp vật liệu. Mô hình xử lý nước thải được thiết kế riêng thành từng ngăn theo dạng module lắp ghép (công suất xử lý 500 lít/ngày đêm) giúp lắp đặt, sử dụng, sửa chữa, bảo dưỡng và sản xuất hàng loạt dễ dàng; có thể áp dụng cho các loại tàu du lịch, với các công suất xử lý khác nhau.
Mô hình hệ thống điện gió Darrieus thiết kế theo kiểu trục đứng với biên dạng cánh thẳng, trục quay ở giữa với công suất 1.635,5 W, vừa khai thác được nguồn năng lượng tái tạo thay thế cho năng lượng hiện tại từ diesel, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí cho lưu vực sông Sài Gòn. Mô hình này có thể đón gió đa hướng, nên khi tàu đứng yên hay di chuyển, đều có thể đón gió trên sông, đồng thời tạo thêm điểm nhấn kiến trúc cho tàu du lịch.
Nguyễn Đình Thiệu cho biết, chi phí nghiên cứu sản phẩm vào khoảng 10 triệu đồng, chi phí sản xuất khoảng 15-20 triệu đồng, rẻ hơn 40% so với sản phẩm tương tự. Nếu tiếp tục nghiên cứu sâu thì việc áp dụng sản phẩm vào thực tiễn hoàn toàn khả thi.
Tìm kiếm video nhờ nhận diện khuôn mặt
Được đánh giá cao về tính sáng tạo và khả năng ứng dụng, đề tài “Tổng hợp và tìm kiếm trên video dựa trên phát hiện và nhận biết mặt người” của nhóm sinh viên Nguyễn Thành An, Nguyễn Phát Tài (khoa Công nghệ thông tin, Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia TP.HCM) đã xuất sắc đoạt giải nhất tại Giải thưởng Euréka 2017. Hiện tại, đề tài đang được tiếp tục phát triển tại Phòng Thí nghiệm công nghệ phần mềm Đại học Khoa học Tự nhiên.
Chia sẻ về lý do thực hiện đề tài, Nguyễn Thành An cho biết, xu hướng và mong muốn đóng góp cho cộng đồng thêm một lựa chọn về dịch vụ trực tuyến, giải quyết bài toán quản lý ảnh và video cũng như rút gọn thời gian xem phim/video mà vẫn nắm bắt nội dung chính, nhóm đã nghiên cứu thuật toán phát hiện và nhận diện mặt người, một hình thức tương tác thông minh để mang đến những trải nghiệm mới.
Hệ thống ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, cung cấp cho người dùng những tính năng như: khái quát nội dung video theo tỷ lệ xuất hiện của các nhân vật quan trọng dựa trên nhận diện khuôn mặt; phân tích và tóm tắt các đoạn theo sự xuất hiện của diễn viên. Từ đó, cho phép người xem truy cập nhanh đến những cảnh mà họ quan tâm và sau cùng là khả năng truy vấn các đoạn phim, các video liên quan đến từng nhân vật mà người xem muốn tìm kiếm dựa trên việc nhận diện khuôn mặt. Ứng dụng này cũng giúp bạn đọc tìm kiếm hình ảnh, tiểu sử những nhân vật là chính khách, người nổi tiếng một cách đầy đủ và chính xác trên báo chí, các phương tiện truyền thông.
Khả năng ứng dụng thực tiễn của hệ thống khá rộng như: tích hợp vào camera an ninh, giám sát ra vào tại cổng cơ quan, doanh nghiệp, nhà thông minh, truy vấn nhân vật theo khuôn mặt,… Hệ thống giám sát sẽ phát hiện người qua lại, từ đó lưu vào máy tính, phục vụ công tác theo dõi. Mong muốn của nhóm thực hiện đề tài là thông qua chức năng nhận diện hình ảnh, khuôn mặt của người qua lại, có thể áp dụng vào việc quản lý an ninh ở các khu nhà trọ trên địa bàn thành phố, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Hiện tại, hệ thống được triển khai như một dịch vụ trực tuyến trên website, linh hoạt sử dụng với các thiết bị như máy tính, điện thoại, mạch adruino,...
Phát huy sáng tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn
Giải thưởng Euréka trong nhiều năm qua được tổ chức tại TP.HCM đã phát huy khả năng nghiên cứu của sinh viên, góp phần tạo động lực, môi trường cho sinh viên sáng tạo. Để đến với giải thưởng này, các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên phải trải qua nhiều vòng tuyển chọn khắt khe ở cấp trường, được hội đồng khoa học nhà trường đánh giá cao trước khi dự thi.
Tại Euréka lần thứ 19 năm 2017, nhiều đề tài được đánh giá giàu tính thực tiễn, có thể áp dụng trên các lĩnh vực: cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, phát triển nông nghiệp sạch, giải quyết các vấn đề giao thông, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu,… Đặc biệt, một số đề tài được đánh giá cao với các sản phẩm thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ thiết thực cho đời sống hàng ngày, góp phần xây dựng thành phố trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bên cạnh hai đề tài đã nêu, có thể kể đến một số đề tài cũng rất thiết thực như: Thiết kế đô thị khu dân cư ven rạch Bà Lớn, quận 8, TP.HCM (Đỗ Nguyễn Trường Hải, Đại học Kiến trúc TP.HCM) đã chuyển giao cho UBND quận 8 để triển khai áp dụng trong công tác quy hoạch trên địa bàn; Hệ thống nông nghiệp thông minh (nhóm sinh viên Cao đẳng Công thương TP.HCM) chuyển giao cho Công ty Kinh doanh xuất nhập khẩu Hoàng Tín, ứng dụng với chuỗi cung ứng nông sản sạch Garden fresh; Thiết kế và phát triển robot dịch vụ trong gia đình (nhóm sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) chuyển giao cho Công ty TNHH ELI STEM Education, ứng dụng trong các chương trình giảng dạy về STEM cho học sinh, giúp hình dung rõ ràng hơn về hoạt động của robot; Ứng dụng hỗ trợ tìm nhà trọ trên thiết bị di động (nhóm sinh viên Đại học Tài chính Marketing) với các chức năng hữu ích và tiện lợi giúp kết nối giữa người có nhu cầu thuê trọ và chủ nhà trọ một cách dễ dàng, an toàn, tiết kiệm chi phí, phù hợp với sinh viên và người có thu nhập thấp; Nhận dạng khuôn mặt người với thông tin mặt người không đầy đủ (Võ Hoàng Trọng, Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM), có tiềm năng ứng dụng vào thực tế trong việc bảo mật các thiết bị điện tử, giám sát nhân viên tại doanh nghiệp hoặc giám sát nơi công cộng nhằm phát hiện đối tượng trong đám đông như ở sân bay, sân vận động hay phát hiện người vi phạm giao thông trên đường phố;…
Theo ông Đoàn Kim Thành (Giám đốc Trung tâm Phát triển KH&CN Trẻ, đơn vị thường trực giải thưởng), từ giải thưởng của riêng TP.HCM, đến nay Euréka được mở rộng cho sinh viên trên toàn quốc. Không chỉ trao thưởng cho các nghiên cứu có kết quả tốt, Ban tổ chức còn tạo điều kiện để các bạn trẻ phát triển đề tài, hỗ trợ nghiên cứu sâu hơn và phát triển sản phẩm ứng dụng vào thực tế. Ngoài ra, sau trao thưởng, Ban tổ chức cũng kết nối chuyển giao đề tài của các bạn sinh viên cho những đơn vị quan tâm. Đây là cơ hội để các bạn tiếp cận được môi trường, điều kiện nghiên cứu chuyên sâu hơn, tiếp tục phát triển đề tài mang tính ứng dụng cao hơn và sử dụng được trong thực tế.
Vân Nguyễn (CESTI)