SpStinet - vwpChiTiet

 

Ké hoa đào: Hi vọng của bệnh nhân tiểu đường

Đề tài được PGS.TS. Quách Ngô Diễm Phương (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện để đánh giá khả năng điều trị bệnh tiểu đường của rễ Ké hoa đào, làm phong phú thêm kho tàng dược liệu của VN; đồng thời xây dựng được mô hình thu nhận nguồn rễ có thể áp dụng trong sản xuất sinh khối rễ của các loài thực vật có dược tính khác.

Theo Từ điển Cây thuốc Việt Nam (TS. Võ Văn Chi, 1996) “Ké hoa đào có vị ngọt dịu, tính mát, không độc, có tác dụng tiêu viêm trừ thấp, lợi tiểu. Người bệnh có thể dùng cành, lá giã đắp có công dụng: Rễ dùng chữa thấp khớp, đau khớp; cảm cúm, viêm amydal; viêm ruột, lỵ, tiêu hóa kém; bạch đới; sốt rét; bướu giáp. Ngoài ra người bệnh có thể dùng 15-30 g, dạng thuốc sắc dùng ngoài, lấy toàn cây trị chấn thương bầm dập, gãy, vết thương, viêm vú, rắn cắn…”.

Ở nước ta, việc trồng cây dược liệu hiện chỉ  quy mô hộ gia đình, không tập trung, trong khi hằng năm phải tốn hàng ngàn tỷ đồng để nhập khẩu các loại thuốc điều trị tốn kém. Các kỹ thuật canh tác cây dược liệu như: thủy canh, bán thủy canh hay khí canh là những bước tiến mới trong nông nghiệp đã được các nước phát triển trên thế giới áp dụng, thu nhận được nguồn rễ dược liệu sạch, an toàn, hoạt tính cao với quy mô lớn. 

Để có thể sản xuất được thuốc tinh khiết, giá thành thấp, ngoài việc phát triển về công nghệ bào chế và tinh chế thuốc thì việc cung cấp nguồn nguyên liệu chất lượng và ổn định cũng là yếu tố quan trọng. Do vậy, rất cần sự can thiệp của công nghệ sinh học, nhất là công nghệ sinh học thực vật trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu chất lượng và ổn định trong thu nhận hợp chất thứ cấp. Chính vì thế việc nghiên cứu nuôi cấy rễ tơ cây Ké hoa đào nhằm thu nhận nguyên liệu sản xuất hoạt chất điều trị tiểu đường là rất cần thiết.

Đề tài kết hợp nghiên cứu cơ bản và ứng dụng nhằm tìm ra quy trình tạo rễ Ké hoa đào có hoạt tính sinh học cao hơn nguyên liệu thu hái tự nhiên, với số lượng mong muốn để ứng dụng trong điều trị tiểu đường tuýp 2. Nghiên cứu này chưa được tác giả nào ở Việt Nam hay trên thế giới thực hiện. 

Kết quả nghiên cứu đã chứng minh được rễ Ké hoa đào là nguồn nguyên liệu tiềm năng có thể sử dụng trong điều trị tiểu đường tuýp 2. Đồng thời, đã thiết lập được 2 quy trình nuôi cấy rễ tơ Ké hoa đào trên hai mô hình in vitro và thủy canh. Trong đó, đã ứng dụng thành công chiến lược tối ưu hóa điều kiện nuôi cấy và bổ sung tiền chất để tăng tích lũy các nhóm hoạt chất có liên quan đến tăng hoạt tính ức chế α-glucosidase của rễ tơ và có thể thu được sinh khối rễ tơ thủy canh có hoạt tính ức chế α-glucosidase cao hơn rễ tơ in vitro và cao hơn chứng dương Arcarbose. Từ đó, đã xây dựng được các tiêu chuẩn chính cho nguồn rễ tơ thủy canh có hoạt tính điều trị tiểu đường tuýp 2 theo dược điển Việt Nam.

Trên đây là nội dung của đề tài “Nghiên cứu nuôi cấy rễ tơ cây Ké hoa đào (Urena lobata L.) nhằm thu nhận nguyên liệu sản xuất hoạt chất điều trị tiểu đường tuýp 2”, vừa được cập nhật vào  Hệ thống Liên kết nguồn lực thông tin KH&CN Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, trên Hệ thống còn rất nhiều đề tài nghiên cứu cũng vừa được cập nhật liên quan đến lĩnh vực Y học, có thể kể đến như:

  1. Vai trò của dao động xung ký trong chẩn đoán hen ở trẻ 3-5 tuổi có triệu chứng nghi hen phế quản tại bệnh viện Nhi Đồng 1
  2. So sánh kết quả điều trị phẫu thuật tắc đường tiêu hóa bẩm sinh giữa 2 nhóm có và không có siêu âm chẩn đoán tiền sản
  3. Khảo sát đột biến gen BRCA1/BRCA2 kiểu dòng tế bào mầm và tế bào sinh dưỡng (germline and somatic mutation) trong ung thư buồng trứng bằng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới (Next Generation Sequencing-NGS)

Quý bạn đọc có thể bấm vào nhan đề để tham khảo nội dung chi tiết; hoặc tra cứu trên Hệ thống để tìm tài liệu theo yêu cầu của riêng mình, tại địa chỉ: http://stinet.gov.vn/

Hệ thống Liên kết nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức thực hiện theo Đề án liên kết nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ do Ủy ban Nhân dân TP.HCM phê duyệt.

Được triển khai từ tháng 5 năm 2018, đến nay, Hệ thống đã liên kết dữ liệu của 30 tổ chức KH&CN thành viên (các cơ quan nghiên cứu, trường đại học và thư viện) tại TP.HCM, với hơn 311 ngàn tài liệu, gồm thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN, sách, giáo trình nội bộ, luận văn, luận án, tạp chí chuyên ngành KH&CN, tài liệu hội thảo,...

Hệ thống cho phép người dùng tra cứu, khai thác trực tuyến đến các tài liệu thư mục và toàn văn theo cơ chế mở.

Kim Oanh (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả