Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và khoảng 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói. Còn Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn nhựa, trong đó khoảng 80% nguyên liệu nhập khẩu sử dụng từ nhựa phế liệu.
Đoạn đường giao thông 200m từ phế liệu nhựa
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho thấy, nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm.
Vì vậy, việc tìm kiếm giải pháp cho bài toán rác thải nhựa khiến nhiều quốc gia phải đau đầu.
Tại Việt Nam, nhóm 5 sinh viên đến từ Trường Đại học Giao thông Vận tải đã bắt tay nghiên cứu triển khai dự án làm gạch lát đường từ túi nilon.
Theo đó, nhóm sinh viên đã chế thử một loại vật liệu từ 3 nguyên liệu dễ kiếm và quen thuộc: Cát, đá và túi nilon. Túi nilon được rửa sạch, phơi khô trước khi xử lý. Sau một vài thất bại trong pha trộn túi nilon, nhóm quyết định đun nóng nilon, tạo thành một chất phụ gia có khả năng tăng độ bền cho sản phẩm. Sau khi phối trộn các nguyên liệu với tỷ lệ được tính toán cẩn thận, hỗn hợp này đưa vào chảo đun nóng từ 180 - 220oC. Khi đạt được độ kết dính nhất định, hỗn hợp cho vào khuôn, rồi dùng búa và đầm nén chặt để tạo nên sản phẩm cuối cùng.
Mới đây, tại Hải Phòng, 200m đường được gia cố bởi nhựa tái chế đầu tiên nằm trong Khu công nghiệp DEEP C đã được hoàn tất thi công bởi Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Đình Vũ và Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam, cùng sự hợp tác, hỗ trợ của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng.
Nguồn rác thải nhựa sinh hoạt tái chế chủ yếu là bao bì nhựa dẻo như màng polyethylene do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng cung cấp. Rác này được làm sạch, phơi khô và nghiền nhỏ trước khi trộn với nhựa asphalt ở nhiệt độ 150 - 180oC. Ở nhiệt độ này, nhựa bị nóng chảy hoàn toàn, hòa với nhựa đường, giúp nâng cao độ bền cho con đường.
|
Các khu vực đô thị như Hà Nội và TP.HCM ước tính thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa mỗi ngày. Đây là những rác thải nhựa khó tái chế hoặc không thể tái chế như bao bì nilon thường. Việc nghiên cứu và thử nghiệm thành công tái chế rác thải nhựa sinh hoạt thành nguồn tài nguyên mới, có giá trị để làm đường giao thông là một hướng đi tích cực. |
Trước khi trải nhựa đường thực tế, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã thực hiện 2 thí nghiệm, với kết quả đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và an toàn của Việt Nam. Sau khi triển khai thành công dự án thí điểm này, nhiều đoạn đường sử dụng rác thải nhựa tái chế hơn nữa sẽ được xây dựng trong các Khu công nghiệp DEEP C.
“Đây được xem là giải pháp đổi mới, sáng tạo để giải quyết vấn đề rác thải nhựa đang hiện hữu tại Việt Nam cũng như tại các nước trên thế giới, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” - ông Bruno Jaspaert - Tổng Giám đốc Khu công nghiệp DEEP C - cho biết.
Theo Thu Hường - Báo Công Thương