Sản phẩm đặc trưng
Khi bệnh nhân phải nằm hoặc ngồi một chỗ trong thời gian dài mà không thể thay đổi tư thế, phần cơ thể nơi tiếp xúc trực tiếp với mặt giường chịu áp lực tì đè, rất dễ xảy ra hiện tượng loét (gọi là loét do tì đè).
Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, hiện nay, tại các bệnh viện, cơ sở y tế cũng như ở trong gia đình, các bệnh nhân bị các bệnh lý liên quan đến cột sống; bị gãy xương và khó di chuyển; bị tai biến, chấn thương dẫn đến biến chứng bị liệt, đời sống thực vật; hoặc người già thiếu dinh dưỡng nằm lâu ngày, vận động kém,…có số lượng khá lớn. Đây là những người dễ bị bệnh loét do tì đè, với các vị trí dễ bị loét là phía sau đầu, lưng, mông và gót chân.
Trong khi đó, tại các bệnh viện và cơ sở y tế, các loại giường đang được sử dụng chủ yếu vẫn là giường y tế thông thường. Để chống loét, phải lật hoặc xoay trở để tách phần cơ thể bị loét của người bệnh khỏi tiếp xúc trực tiếp với bề mặt giường (hoặc nệm). Công việc này thường do y tá, điều dưỡng thực hiện bằng tay nên gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các bệnh nhân mất khả năng vận động hoặc bệnh nhân có trọng lượng quá nặng. Thực tế cũng đã có một số giường (nệm) chống loét được sử dụng, nhưng hiệu quả chưa cao. Khi sử dụng các loại giường (nệm) này, cơ thể người bệnh vẫn phải tiếp xúc với bề mặt giường (nệm) khá lâu, gây khó khăn trong việc chống loét. Sử dụng nệm chống loét tại gia đình vẫn cần ít nhất hai người để xoay trở, thay đổi tư thế của bệnh nhân. Nếu xoay trở không đúng cách dễ làm bệnh nhân bị đau và các vết loét nặng hơn.
PGS.TS Võ Tường Quân (chủ nhiệm đề tài) cho biết, nhóm đề tài đã nghiên cứu nhu cầu và thể trạng của người bệnh tại Việt Nam để thiết kế và chế tạo. Giường có chiều dài 2 m, chiều rộng 1,2 m, chịu được tối đa 120 kg. Với cấu tạo 2 mặt giường rời, đan xen vào nhau theo cơ cấu răng lược, giường cho phép thay đổi tư thế của bệnh nhân từ nằm ngửa sang nằm nghiêng (lật nghiêng bệnh nhân nằm về một bên, theo thời gian chỉ định của bác sĩ điều trị). Cơ cấu lật nghiêng giúp các bộ phận như lưng, ót, mông, đùi,... của bệnh nhân không tiếp xúc với bề mặt giường, tránh áp lực tì đè, từ đó làm giảm loét. Việc lật nghiêng này hoàn toàn không gây đau cho bệnh nhân. Đây là ưu điểm nổi bật của giường hạn chế loét do nhóm thiết kế chế tạo, hiện chưa có sản phẩm tương tự áp dụng nguyên lý này. Giường được trang bị dây đai an toàn để đảm bảo bệnh nhân không bị tuột ra khỏi giường sử dụng. Giường có thể tháo lắp linh hoạt, điều khiển bằng tay hoặc tự động, dễ thao tác sử dụng. Ở chế độ tự động, sau khi nhập các thông số vận hành (theo chỉ định của bác sĩ) vào bộ điều khiển thông qua màn hình cảm ứng, giường sẽ tự động nâng-hạ bệnh nhân với thời gian và góc nâng-hạ bệnh nhân chính xác. Người nhà hoặc nhân viên y tế cũng có thể điều khiển giường đến vị trí mà bệnh nhân cảm thấy phù hợp, bằng bộ điều khiển cầm tay (trong chế độ thủ công).
Đưa sản phẩm vào sử dụng rộng rãi
Giường hạn chế loét đã được thử nghiệm tại Bệnh viện Quận 11 và Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, nhận được phản hồi tích cực từ phía bệnh viện và người bệnh. Bước đầu sử dụng trên 15 bệnh nhân cho thấy, giường hạn chế loét cải thiện đáng kể mức độ loét, tăng hiệu quả trong việc phòng ngừa và điều trị loét cho bệnh nhân. Giường hoạt động ổn định, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và an toàn cho bệnh nhân, người chăm sóc.
Theo PGS.TS Võ Tường Quân, hiện nay nhu cầu thị trường trong nước về giường hạn chế loét là rất lớn. Sản phẩm của đề tài có giá thành rẻ hơn nhiều so với thiết bị ngoại nhập (1 giường hoàn chỉnh bằng vật liệu inox 304 có giá chỉ khoảng 70 triệu đồng), phù hợp với nhu cầu sản xuất trong nước và có thể thay thế các loại giường nhập ngoại.
Các thông số kỹ thuật của giường có thể điều chỉnh cho phù hợp với các yêu cầu cụ thể của từng nhóm người bệnh hay từng cơ sở y tế, bệnh viện hoặc viện dưỡng lão. Hiện tại nhóm nghiên cứu đang tiếp tục hoàn thiện sản phẩm và hợp tác với Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phana để cùng nghiên cứu sản xuất, đưa sản phẩm đến rộng rãi người sử dụng. Dự kiến, sản phẩm có thể chuyển giao, ứng dụng tại các đơn vị trong lĩnh vực y tế ở TP.HCM như Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phana, Công ty TNHH Phú Sỹ, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Quận 11, các viện dưỡng lão trên địa bàn thành phố. Đồng thời, nhóm nghiên cứu đang hoàn thiện hồ sơ, đề xuất triển khai dự án sản xuất thử nghiệm để tiến tới sản xuất hàng loạt, đưa vào ứng dụng rộng rãi. Khi đó giường hạn chế loét sẽ được bổ sung thêm các tính năng như: hạ phần đầu giường để tạo điều kiện tốt hơn cho người bệnh trong trường hợp cấp cứu (đặt nội khí quản); cân trực tiếp khi bệnh nhân đang nằm điều trị trên giường; thông báo bằng âm thanh cho người bệnh trước khi giường thay đổi trạng thái; đưa ứng dụng IoT vào hệ thống giám sát và vận hành giường.
Vân Nguyễn (CESTI)