Ảnh hưởng của hàm lượng CO2 lên sự phát triển của tảo
11/06/2020
KH&CN trong nước
Nhóm tác giả Huỳnh Thị Ngọc Hiền và Nguyễn Văn Hòa (Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ) đã tiến hành nghiên cứu nồng độ CO2 phù hợp để tăng năng suất sinh khối tảo tại các trại giống thủy sản.
Tảo Chaetoceros calcitrans là một trong những loài vi tảo nước mặn đang được sử dụng phổ biến làm thức ăn trong nuôi trồng thủy sản. Vi tảo có kích thước nhỏ (5mm), giá trị dinh dưỡng cao nên phù hợp cho giai đoạn phát triển đầu của nhiều loài giáp xác và hai mảnh vỏ. Tuy nhiên, các trại sản xuất giống thủy sản hiện nay đang gặp khá nhiều trở ngại trong việc nâng cao chất lượng cũng như năng suất sinh khối tảo để làm thức ăn cho các ấu trùng thủy sản. Trong điều kiện nuôi cấy tảo hiện nay, nếu chỉ sử dụng ánh sáng đèn huỳnh quang và hệ thống sục khí thông thường thì năng suất sinh khối tảo không cao, mật độ tảo Chaetoceros calcitrans đạt tối đa 8,88x106 tb/mL và không thể quản lý được sự biến động của pH.
CO2 là một trong các yếu tố khá quan trọng làm thay đổi môi trường nước, nguyên nhân làm giảm pH. Thực tế cho thấy, việc bổ sung CO2 trong quá trình nuôi sinh khối tảo là rất quan trọng và cần được quan tâm nhiều. Bổ sung CO2 làm giảm pH và nâng cao năng suất sinh khối tảo. Tuy nhiên, lượng CO2 cần cho quá trình nuôi chưa có nhiều thông tin. Do đó, nghiên cứu ảnh hưởng của hàm lượng CO2 lên sự phát triển của tảo Chaetoceros calcitrans là rất cần thiết.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm với 4 nghiệm thức, tỉ lệ bổ sung CO2 lần lượt là 1%, 3%, 5% và không bổ sung CO2 (đối chứng). Mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần trong điều kiện phòng thí nghiệm, với ánh sáng tổng hợp lam + đỏ theo tỉ lệ 1:1 (3.000 Lux). Kết quả cho thấy, mật độ tảo Chaetoceros calcitrans có sự khác biệt giữa các nghiệm thức và đạt cực đại với tỉ lệ 1% ở ngày nuôi thứ 6 (23,08x106 tb/mL).
Nội dung nghiên cứu này được đăng trên Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam, số 2, năm 2020, hiện đang lưu giữ tại kho tư liệu của Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI)
Trong tạp chí này còn nhiều nghiên cứu đáng chú ý khác, như:
- Đánh giá sinh trưởng, năng suất và chất lượng của giống lúa thơm HDT10 tại Tích Giang, Phúc Thọ, Hà Nội
- Đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển và năng suất của lúa trên đất nhiễm mặn
- Nhân giống In Vitro khoai sọ cụ cang ở trường đại học Tây Bắc
- Đặc điểm hình thái, giải phẫu và khả năng nhân giống một số loài đinh lăng bằng phương pháp giâm hom
- Hiệu quả sản xuất trồng trọt trên cao nguyên Mộc Châu
Quý bạn đọc có thể bấm vào tên bài để tham khảo nội dung chi tiết; hoặc tra cứu các cơ sở dữ liệu của CESTI để tìm tài liệu theo yêu cầu của riêng mình, tại địa chỉ: http://cesti.gov.vn/thu-vien/1/tra-cuu-chung.
Uyên Trang (CESTI)