SpStinet - vwpChiTiet

 

Kéo dài thời gian bảo quản để xuất khẩu mãng cầu

Là nhu cầu bức thiết nhằm nâng cao khả năng tiêu thụ trong nước, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ. Bài toán này đang được giải, với Chương trình kết nối ý tưởng“Công nghệ bảo quản trái mãng cầu”, doTrung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức ngày 16/2.

Phát biểu tại sự kiện, bà Bùi Thanh Bằng (Giám đốc CESTI) cho biết, sự kiện lần này kết nối 3 đơn vị có nhu cầu công nghệ bảo quản trái mãng cầu (là các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh nông sản và doanh nghiệp xuất khẩu) với 3 nhà cung ứng công nghệ (Công ty TNHH Bảo quản rau quả CASS, Công ty TNHH SX TM DV Nông nghiệp Hữu Tâm, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ quốc tế Sao Nam), cùng một số đơn vị và chuyên gia có kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực bảo quản trái mãng cầu (Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Công ty TNHH D&H RETEK USA, Đại học Nguyễn Tất Thành,...)

Bà Bùi Thanh Bằng (Giám đốc CESTI) phát biểu tại sự kiện.

Theo thông tin từ doanh nghiệp, năm 2019 tỉnh Tây Ninh có trên 8.000 ha trồng mãng cầu và xu hướng ngày càng tăng, do loại nông sản này dễ trồng, không kén đất và đem lại lợi nhuận đáng kể cho người nông dân. Sản lượng bình quân mỗi ngày đưa về các chợ đầu mối khắp cả nước khoảng 300 tấn. Đó là chưa kể khối lượng đơn hàng xuất sang một số nước lân cận (vài trăm kg/đơn).

Đại diện nhóm cầu công nghệ cho biết, trái mãng cầu có đặc điểm là tốc độ chín rất nhanh (chỉ 2-3 ngày sau thu hoạch thì trái chín), và khi đã chín mà không kịp sử dụng (chỉ trong một ngày) là có thể phải bỏ phí - nếu không được bảo quản trong điều kiện lạnh phù hợp. Chính vì vậy, giá trị mãng cầu không cao, nếu không có giải pháp bảo quản phù hợp. Cụ thể là để cho trái mãng cầu có cơ hội phục vụ thị trường tiêu dùng trong nước, cũng như xuất khẩu, phải làm cho trái chậm chín, càng lâu càng tốt.

Những giải pháp được bên cung giới thiệu, như quy trình bảo quản sau thu hoạch (sơ chế, khử khuẩn, bảo quản bằng màng sinh học, bao bọc bằng túi MAP, sử dụng túi hút khí ethylen), kho lạnh chứa nông sản… chưa đủ sức thuyết phục nhóm cầu công nghệ. Bởi lẽ, từ kinh nghiệm thực tế của doanh nghiệp, việc duy trì nhiệt độ 10-150C khi chuyển lên máy bay là vô cùng mạo hiểm và đầy rủi ro, nhất là trong điều kiện thời tiết nóng ẩm như Việt Nam. Hơn thế, đơn hàng nội tiêu gửi bằng đường hàng không cũng không thể áp dụng với khối lượng lớn vì chi phí quá cao, do đó vấn đề thương mại không thuận lợi.

Mặt khác, ở điều kiện dưới 100C việc sử dụng các túi MAP là ổn, nhưng nếu trong quy trình vận chuyển có thời điểm nhiệt độ thay đổi (khoảng 15-200C), thì túi MAP lại phản tác dụng, khi gây bí hơi, khiến trái chết nhanh hơn. Đó là kinh nghiệm “xương máu” mà doanh nghiệp từng trải qua. Điều mà doanh nghiệp cần chính là câu trả lời chính xác về thời gian bảo quản trái mãng cầu tối thiểu là trong bao nhiêu ngày, để có kế hoạch vận chuyển phù hợp. Đặc biệt, công nghệ ứng dụng cần mang tính phổ thông, dễ tiếp cận và dễ sử dụng, quy trình xử lý không quá phức tạp.

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực tế ở địa phương và tham khảo mô hình vận dụng ở Đài Loan, ông Nguyễn Văn Lai (Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ - Sở KHCN tỉnh Tây Ninh) cho biết, 3 năm trước, tỉnh Tây Ninh đã có đề tài bảo quản trái mãng cầu,với kết quả bảo quản được 21 ngày (trong điều kiện 15-170C tại phòng thí nghiệm). Sau đó, đưa ra thực nghiệm ở một nhà vườn, cho thời gian bảo quản khoảng 15 ngày. Ở thời điểm triển khai, nhà vườn can thiệp ngay từ khi ra trái, bằng cách xịt canxi clorua hoặc canxi nitrat trước, có kết hợp chitosan và dùng màng bao, để làm chắc vỏ và tăng độ ngọt so với trái đối chứng

Ông Nguyễn Văn Lai (Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ - Sở KHCN tỉnh Tây Ninh) chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực tế ở địa phương.

Tuy nhiên, nếu không trị được tình trạng ruồi vàng đục làm thối trái thì sẽ không có giải pháp bảo quản nào kéo dài được thời gian bảo quản, do trái đã bị hỏng. Nếu ngay từ khâu nhà vườn làm không tốt, thì dù phương pháp bảo quản có hiện đại đến mấy, thời gian bảo quản trái mãng cầu cũng khó kéo dài.”, ông Nguyễn Văn Lai khẳng định. Theo đó, nhà vườn cần xử lý tiền thu hoạch, hái xong đưa vào container bảo quản lạnh, vận chuyển bằng xe chuyên dụng đến nhà máy chế biến, thời gian bảo quản có thể kéo dài đến 30 ngày, với điều kiện tất cả phải đồng bộ.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Tấn (Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch) cũng cho rằng là chưa đủ, nếu chỉ gói gọn ở khâu sau thu hoạch. Muốn kéo dài tối đa thời gian bảo quản các loại trái cây nói chung, và mãng cầu nói riêng, thì phải cẩn trọng xem xét loại giống, chế độ canh tác và chế độ thu hoạch. Chẳng hạn, cần thu hoạch ở điều kiện chín sinh lý, vì khi đó lượng đường tổng chỉ khoảng 10%, hoặc bảo vệ thật kỹ vỏ mãng cầu không để bị tổn thương do trầy xước hay va đập, dẫn đến nhiễm khuẩn hoặc nâu hóa vỏ. Mặt khác, vấn đề sau bảo quản như đưa ra kệ siêu thị cũng phải được xem xét kỹ, khi sử dụng các loại màng bao, để tránh hư hỏng do điều kiện môi trường thay đổi.

Bà Đinh Hồng Sương (Công ty TNHH D&H RETEK USA) cho biết, có thể ứng dụng công nghệ cơ lượng tử để bảo vệ vỏ trái mãng cầu, bằng cách dừng hô hấp. Khi đó, vỏ cứng hơn và ruột “ngủ yên”, giúp bảo quản trái cây tốt hơn. Giải pháp này đã được áp dụng cho chuối già xuất khẩu đi Đài Loan tại Bình Dương, Long An; bảo quản rau củ quả trong siêu thị thực phẩm (TP.HCM) ở điều kiện nhiệt độ tự nhiên; đã thử nghiệm với trái xoài thu hoạch ở độ chín vừa, bảo quản ở nhiệt độ bình thường và phòng vô trùng, từ khi thu hoạch đến khi chín tự nhiên khoảng 26-30 ngày (đối chứng khoảng 7 ngày). Tuy nhiên, do có thể có sự biến đổi màu sắc ở các loại rau, lá nên, đề nghị được thử nghiệm với mãng cầu.

Ngay lập tức, phía cầu công nghệ đề cập khả năng thử nghiệm thực tế, cung cấp sẵn container lạnh kiểu mới vừa nhập khẩu, cung cấp sản phẩm trái cây, và sẵn sàng bỏ chi phí để nhà cung ứng thử nghiệm, thành công là sử dụng ngay, nếu đáp ứng yêu cầu có thể ứng dụng ngay và sử dụng thuận tiện.

Qua quá trình trao đổi, thảo luận sôi nổi, sự kiện Kết nối ý tưởng “Công nghệ bảo quản trái mãng cầu” đã tạm chốt lại với 9 biên bản ghi nhớ được các bên ký kết ngay, tạo cơ sở để cùng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ phù hợp cho trái mãng cầu.

Ký kết biên bản ghi nhớ giữa các bên.

Tổng kết sự kiện, bà Bùi Thanh Bằng (Giám đốc CESTI) hoan nghênh nhóm cầu công nghệ đã chủ động tạo điều kiện để các nhà cung ứng nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn nền tảng công nghệ hiện có, và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên nghiên cứu công nghệ và ứng dụng,  để chuyển giao công nghệ thành công vào quy trình sản xuất

Hoàng Kim (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả