Hàng năm, sản lượng khai thác và nuôi trồng ngành thủy sản của nước ta khá lớn và liên tục phát triển (năm 2019, sản lượng sản xuất đạt 8,2 triệu tấn, tăng 5,6% so với năm 2018). Bên cạnh các loài cá da trơn chiếm tỉ trọng cao trong tổng sản lượng chung của ngành, cá có vảy cũng đóng góp một phần đáng kể. Trong quá trình chế biến, nội tạng, đầu, xương và vảy cá là các phế phẩm, phụ phẩm sản xuất và bị thải loại ra ngoài, nên lượng vảy cá (chiếm khoảng 1-4% tổng trọng lượng cá) thải ra môi trường hàng năm cũng rất lớn.
Do trong và trên vảy cá thường có nhiều chất hữu cơ, là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, nên các nhà khoa học đã nghiên cứu nhiều giải pháp nhằm tận dụng nguồn phế phẩm này, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Công bố của các nhà khoa học thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) và Đại học Quốc gia Singapore (NUS) năm 2018 cho thấy, vảy cá có chứa nhiều collagen.
Collagen là protein cấu trúc chính trong không gian ngoại bào ở các mô liên kết trong các cơ quan động vật. Là thành phần chính của mô liên kết, collagen là protein dồi dào nhất ở động vật có vú, chiếm từ 25-35% hàm lượng protein toàn thân. Collagen hiện được sử dụng rộng rãi trong thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm. Bên cạnh đó, collagen còn được dùng làm nguyên liệu thủy phân để sinh ra gelatin, dùng cho các ngành công nghiệp.
Collagen nguồn gốc từ vảy cá rất dễ thu nhận: chiết xuất từ vảy 1-2 con cá có thể thu đến 200mg collagen với chi phí thấp. Collagen thu được từ vảy cá có thể chuyển hóa về mặt hóa học để hòa tan trong nước, có thể sử dụng cho nhiều ứng dụng y sinh học khác nhau, ví dụ như kết hợp với thuốc để sản xuất ra các loại băng vết thương có khả năng chữa bệnh cao hơn. Dưới tác động của collagen chiết xuất từ vảy cá, các tế bào nội mô của con người sẽ sản sinh ra lượng collagen nhiều hơn 2,5 lần so với các tế bào được nuôi cấy từ các dạng collagen khác.
Ở Việt Nam, những năm gần đây cũng có nhiều thành công trong nghiên cứu chiết tách collagen từ vảy cá. Kết quả từ một số đề tài cho thấy, collagen từ vảy cá có allopurinol, định hướng ứng dụng điều trị giảm axit uric trong máu (tác nhân gây bệnh gout). Ngoài ra, collagen tự nhiên từ vảy cá có thể kết hợp với các hoạt chất Rb1, polyphenol trà hoa vàng để làm vật liệu cầm máu và điều trị vết thương. Có nghiên cứu còn cho thấy, vảy cá chép nước ngọt chứa collagen loại I cùng 18 axit amin có lợi, cho ưu thế hơn hẳn so với collagen từ động vật có vú. Đáng chú ý là loại collagen này an toàn hơn, do không có nguy cơ dịch bệnh từ động vật có vú, không chứa chất béo và dễ dàng hấp thụ vào cơ thể người. Đây cũng là nguyên liệu sinh học đầy tiềm năng để ứng dụng làm vật liệu y sinh, giúp tái tạo mô và chữa lành vết thương.
Với sản lượng thủy sản ngày càng tăng, nếu không có phương án khai thác, sử dụng, chắc chắn nguồn phế phẩm này (vảy cá) cũng sẽ càng lớn, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Qua khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp chế biến thủy sản và xử lý môi trường, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) sẽ tổ chức sự kiện Kết nối ý tưởng, với chủ đề “Công nghệ sản xuất collagen”, nhằm giúp doanh nghiệp tìm kiếm được các nhà cung ứng giải pháp tốt cho bài toán công nghệ này (xử lý vảy của các loại cá, từ 100 kg/tháng cho đến 100 tấn/năm), đảm bảo tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu và tạo ra collagen cung ứng cho thị trường trong nước.
Nếu quý chuyên gia, đơn vị tư vấn và nhà cung ứng công nghệ có nhu cầu giới thiệu hoặc cung ứng công nghệ sản xuất collagen tại sự kiện, vui lòng điền đầy đủ thông tin theo mẫu Đăng ký cung ứng công nghệ.
Nếu quý đơn vị hoặc cá nhân có nhu cầu tìm hiểu hoặc nhận thông tin các công nghệ sản xuất collagen, vui lòng điền đầy đủ thông tin theo mẫu Đăng ký tham dự sự kiện.
Hoặc liên hệ trực tiếp: Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (79 Trương Định, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM). Điện thoại: (028) 3521.0735 (gặp anh Khanh). Email: pttcn@cesti.gov.vn.
Hoàng Kim (CESTI)