SpStinet - vwpChiTiet

 

Hợp tác công nghệ: Tìm cơ hội từ những giải pháp thiết thực

Cùng với mô hình “Kết nối ý tưởng” - lần đầu tiên được tổ chức ngày 4/6, “Hợp tác công nghệ” là mô hình thứ hai của chuỗi sự kiện “Cà phê công nghệ”, do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM triển khai năm 2020, sẽ diễn ra vào ngày 17/6, tại Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM.

Khác với “Kết nối ý tưởng”, nơi mà các nhà cung ứng công nghệ cùng 'cạnh tranh trực tiếp' bằng các giải pháp thích hợp của mình trước yêu cầu công nghệ cụ thể của doanh nghiệp; mô hình “Hợp tác công nghệ” được tổ chức theo hướng ngược lại: các kết quả nghiên cứu, công nghệ có khả năng thương mại hóa cao, có nhu cầu hợp tác, phát triển từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ sẽ được lựa chọn để giới thiệu đến các doanh nghiệp sản xuất (nơi ứng dụng công nghệ), các nhà đầu tư (hỗ trợ tài chính), cơ sở ươm tạo (hỗ trợ phát triển công nghệ), cơ quan nghiên cứu (hợp tác phát triển công nghệ),…nhằm hỗ trợ thúc đẩy, tạo lập các quan hệ hợp tác đầu tư, phát triển và chuyển giao công nghệ.

  Chuỗi sự kiện “Cà phê công nghệ” nhằm thúc đẩy kết nối cung cầu, xúc tiến chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, hiệu quả kinh doanh, góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại TP.HCM và các tỉnh trong khu vực. Đây là hoạt động do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI) triển khai thực hiện dưới sự chỉ đạo của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, khẳng định vai trò là "cầu nối" giữa các doanh nghiệp sản xuất và tổ chức/chuyên gia nghiên cứu.

Tại sự kiện, các chuyên gia sẽ giới thiệu về đặc điểm công nghệ; các ưu thế của công nghệ; hiệu quả kinh tế và khả năng ứng dụng thực tế, cũng như các phương án hợp tác phát triển công nghệ (tìm kiếm vốn, hợp tác đầu tư phát triển công nghệ, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ,…). Trên cơ sở này, các bên cung – cầu công nghệ sẽ cùng trao đổi, luận bàn kỹ hơn về công nghệ; về khả năng, phương án hợp tác, đầu tư,…; đánh giá và lựa chọn đối tác phù hợp. Kết quả của sự kiện sẽ là các biên bản thỏa thuận, ghi nhớ hợp tác công nghệ trong tương lai.

Theo kế hoạch, ngày 17/6, nội dung đầu tiên của mô hình “Hợp tác công nghệ” là công nghệ sản xuất phân hữu cơ sinh học từ ruồi lính đen phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ được đưa ra giới thiệu rộng rãi đến các doanh nghiệp sản xuất, các nhà đầu tư, các cơ sở ươm tạo và các cơ quan nghiên cứu phục vụ nông nghiệp. Công nghệ này đã được nghiên cứu thành công, chất lượng sản phẩm đạt các tiêu chuẩn về phân bón hữu cơ sinh học theo QCVN 01-189:2019/BNNPTNT. Đơn vị cung ứng công nghệ đang tìm kiếm các hợp tác nghiên cứu và phát triển sản xuất phân bón hữu cơ từ phân ruồi lính đen ở quy mô công nghiệp, hoặc chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ từ phân ruồi lính đen cho các doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu.

Theo các nghiên cứu, ruồi lính đen (Hermetia illucens) được nhiều nước trên thế giới khai thác rất hiệu quả, mà không gây hại cho môi trường và con người: sử dụng trong xử lý chất thải, rác hữu cơ; dùng làm thức ăn chăn nuôi; sản xuất dầu biodiesel; sản xuất phân bón hữu cơ. Đây cũng là loại côn trùng khá thích hợp với điều kiện khí hậu của Việt Nam.

Với tiềm năng ứng dụng lớn, các giải pháp công nghệ liên quan đến khai thác, sử dụng ruồi lính đen hứa hẹn sẽ mang đến hiệu quả kinh tế cao cho các nhà đầu tư, các đơn vị và doanh nghiệp ứng dụng. Xin mời các đơn vị, cá nhân có nhu cầu ứng dụng, hợp tác phát triển, đầu tư cho giải pháp công nghệ sản xuất phân hữu cơ sinh học từ ruồi lính đen cùng tham dự sự kiện.

Mời Quý vị đăng ký theo Phiếu khảo sát nhu cầu công nghệ tại đây.

T.N (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả