Cuộc thi năm nay có chủ đề “Ngập và tắc”. Thí sinh dự thi theo cá nhân hoặc nhóm, tập trung xoay quanh các giải pháp liên quan đến phương pháp chống ngập hoặc phương án chống ùn tắc trên địa bàn TP.HCM. Bài thi thể hiện dưới một trong các hình thức: bài viết, hình ảnh, phim/video clip, có thể gửi kèm mô hình, sản phẩm chế thử, sơ đồ công nghệ, các bản vẽ minh họa,… Thành phần ban giám khảo bao gồm các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực môi trường, công nghệ kỹ thuật,… Bài dự thi phải đáp ứng các tiêu chí: tính mới, tính sáng tạo; khả năng áp dụng rộng rãi trong điều kiện Việt Nam; hiệu quả kinh tế - kỹ thuật - xã hội,…
Cuộc thi trải qua 3 vòng: vòng loại từ 27/10/2017 đến 31/03/2018 sẽ lựa chọn 15 tác phẩm vào bán kết; vòng bán kết ngày 20/4/2018 sẽ chọn 5 tác phẩm vào chung kết; vòng chung kết ngày 27/4/2018. Ban tổ chức sẽ trao một giải nhất chung cuộc trị giá 40 triệu đồng; một giải nhì trị giá 20 triệu đồng, một giải ba trị giá 10 triệu đồng và hai giải khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng. Đặc biệt, những dự án với ý tưởng thực sự khả thi có cơ hội được các doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư để sớm triển khai, ứng dụng thực tế.
Đại diện ban tổ chức giới thiệu về cuộc thi. Ảnh: LV.
Theo ban tổ chức, vấn đề ngập và ùn tắc giao thông đô thị đã có những bước nghiên cứu cơ bản ở tầm vĩ mô. Tuy nhiên, ở tầm vi mô, cuộc thi góp phần tìm kiếm những ý tưởng nhỏ, qua đó lan tỏa ý thức trong sinh viên tham gia giải quyết các vấn đề thực tiễn, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cuộc thi nhấn mạnh đến việc hỗ trợ, tài trợ về nhân lực, tài chính để các ý tưởng khả thi có thể đưa vào áp dụng trong thực tiễn.
Thí sinh có thể gửi bài dự thi qua bưu điện theo địa chỉ: Báo điện tử Một thế giới, 345/134 Trần Hưng Đạo, Phường Cầu Kho, Quận 1, TP.HCM. Hoặc qua email:bantochucmtg@gmail.com.
Tọa đàm với chủ đề "Khởi nghiệp không giới hạn". Ảnh: LV.
Tại buổi giới thiệu cuộc thi, các nhà khởi nghiệp trẻ cũng chia sẻ kinh nghiệm xoay quanh nội dung tọa đàm “Khởi nghiệp không giới hạn”. Theo anh Trần Thanh Tùng, chủ chuỗi quán cà phê Monkey In Black và nhiều dự án khởi nghiệp khác, một trong những bài học lớn nhất từ việc trưởng thành trong môi trường công nghệ thông tin là tư duy logic, khả năng nghiên cứu và một số kiến thức nhỏ từ công nghệ thông tin hỗ trợ lớn trong việc chuyển sang ngành marketing, khởi nghiệp. Vì vậy, anh khuyên các bạn trẻ nên cố gắng hoàn thành chương trình học của mình và bắt đầu tập khởi nghiệp khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Khi theo đuổi con đường khởi nghiệp, có rất nhiều thứ cần phải học, trong đó tập trung rèn luyện 4 vấn đề: kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và thái độ ở mọi hoàn cảnh.
Còn theo chị Nguyễn Bích Ngọc Trâm (người sáng lập và CEO của thương hiệu đồ chơi thú len và nội thất len dành cho mẹ và bé Mây Cou Cou), để làm chủ một công ty của mình, trước tiên cần làm chủ đam mê trong mơ ước của mình. Muốn thành công, bạn nên học cách quản lý của người khác bằng cách đi làm ở công ty, đọc sách thật nhiều và lắng nghe trải nghiệm của những người từng trải, mở rộng mối quan hệ,… Khi bắt đầu một giấc mơ kinh doanh, bạn trẻ cũng cần “sắm” cho mình một tinh thần thép. Về thương trường, cần phải hiểu thị hiếu của khách hàng muốn gì và cần gì, hiểu được đối thủ cạnh tranh, đặt mình vào vị trí của khách hàng, của đối thủ cạnh tranh để luôn đổi mới sản phẩm của mình.