Phục hồi di tích Chăm bằng công nghệ nano
13/11/2012
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Các di tích Chăm ở Quảng Nam được ứng dụng công nghệ nano để phục hồi. Đây là công nghệ mới trong công tác phục hồi di tích Chăm đầu tiên được triển khai… Tháp Chăm Chiên Đàn được ứng dụng công nghệ nano để thí điểm trùng tu
Sáng 11/11, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết chính thức cho phép sử dụng công nghệ nano của Tập đoàn Guardindustry, Pháp được ứng dụng vào trùng tu các di tích Chăm trên địa bàn.
Tuy nhiên, văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam và Sở Văn hóa thông tin và du lịch khẳng định: đây là công nghệ mới đầu tiên được triển khai. Vì vậy yêu cầu khi áp dụng tu bổ di tích cần phải thận trọng và tiến hành thí nghiệm trước một cách cẩn trọng để đảm bảo hiệu quả chính xác, nhằm đảm bảo tính toàn vẹn và sự bền vững của di tích sau khi được trùng tu.
Trước mắt sẽ triển khai trùng tu thí điểm công nghệ mới nano cho các thành phần kiến trúc Chăm ít giá trị như tường bao che khu tháp, vật liệu đã chuyển vị khỏi khối xây gốc. Tuyệt đối không được triển khai công nghệ mới này trên tháp chính tại nhóm tháp Chiên Đàn, xã Tam An, huyện Phú Ninh để đánh giá kết quả.
UBND tỉnh Quảng Nam giao cho Sở Văn hóa thông tin và du lịch Quảng Nam và Sở Khoa học - Công nghệ đăng ký thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2013 về ứng dụng công nghệ này. Nếu có kết quả tốt sẽ báo cáo Bộ Văn hóa thông tin và du lịch xem xét cho triển khai trùng tu các di tích Chăm trên địa bàn bằng công nghệ mới này.
Hiện trên địa bàn Quảng Nam còn tồn tại nhiều nhóm tháp Chăm như tháp Chăm Khương Mỹ (Tam Xuân, Núi Thành), Khương Mỹ (Tam An, huyện Phú Ninh, cùng nhiều phế tích Chăm như Đồng Dương. Đặc biệt quần thể tháp Chăm tại khu di tích Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới.
Hơn 20 năm nay, Quảng Nam tập trung công tác bảo tồn, phục dựng nguyên trạng các quần thể di tích này. Tuy nhiên, công tác bảo tồn, trùng tu các nhóm tháp Chăm trên địa bàn tỉnh chỉ dừng ở mức độ gia cố chống xuống cấp, tái định vị các cấu kiện, phòng chống nguy cơ xâm hại từ tự nhiên. Hiện vẫn chưa có những biện pháp hữu hiệu để chống xuống cấp các di tích này.
Hy vọng với công nghệ nano mới được áp dụng nếu thành công sẽ là biện pháp hữu hiệu để cứu nguy khẩn cấp cho các di tích Chăm hiện đang trong tình trạng xuống cấp.
Nguồn: Vietnamnet