Ngày 17/01/2012, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán- một cơ sở nghiên cứu đặc biệt, lần đầu tiên được thành lập ở Việt Nam đã chính thức ra mắt.
Đến dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngũ Luận, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, Giáo sư Hoàng Tuỵ, Giáo sư Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu, các giáo sư tới từ các viện nghiên cứu, trường đại học nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn, Pakistan, Malaysia,... Đặc biệt là một số thành viên hội đồng tư vấn quốc tế như giáo sư Bourguinon (Viện Nghiên cứu cao cấp của Pháp- IHES), giáo sư Fefferman (Đại học Chicago),…
Tại Lễ ra mắt, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chúc mừng sự ra đời Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán và cho biết, Chính phủ đã quyết định thực hiện chương trình Toán học 10 năm với kinh phí đầu tư 650 tỷ đồng. Với đầu tư cụ thể này, Chính phủ mong muốn Viện Nghiên cứu sẽ trở thành một trung tâm Toán học xuất sắc, môi trường làm việc tương đương với một số nước phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 - 2020. Đảm bảo toán học Việt Nam phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào việc phát triển đất nước và nâng cao vị thế của toán học Việt Nam trên trường quốc tế.
Khác với các Viện nghiên cứu truyền thống khác ở trong nước, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán không có hoặc có rất ít cán bộ nghiên cứu cơ hữu. Viện sẽ hoạt động theo chương trình nghiên cứu và tổ chức các nhóm nghiên cứu có quy mô lớn nhỏ khác nhau. Sự linh hoạt này sẽ cho phép Viện lôi cuốn nhiều nhà khoa học quốc tế xuất sắc đến Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện để các nhà khoa học Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp xúc với những vấn đề nóng hổi trong môi trường nghiên cứu khoa học quốc tế. Viện cũng là nơi thu hút những nhà khoa học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài về nước công tác và có nhiều hợp tác với các đồng nghiệp trong nước.
Bày tỏ niềm vui khi nhận trọng trách là Giám đốc Khoa học của Viện, Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng, sự kiện này đã ghi lại một dấu mốc quan trọng đối với nền toán học Việt Nam. Theo Giáo sư, mong muốn chung của giới toán học trong nước là được chứng kiến các hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực tri thức này và có thể đóng góp vào tiến bộ chung của đất nước. Dù là lý thuyết hay thực hành thì toán học vẫn đóng vai trò quan trọng và cơ bản trong sự phát triển của các ngành khoa học, đem lại tiến bộ cho nền kinh tế quốc gia.
Giáo sư Ngô Bảo Châu cho biết, trong năm 2012, Viện dự kiến sẽ triển khai một số chương trình nghiên cứu về toán xác suất,… Ngoài việc hoàn thiện khả năng nghiên cứu và giảng dạy Toán học cao cấp tại các trường đại học và các Viện nghiên cứu ở Việt Nam, Viện sẽ phối hợp với các chương trình quốc gia phát triển Toán học để duy trì và thúc đẩy phong trào học Toán ở trường phổ thông và ở các trường đại học thông qua việc bồi dưỡng học sinh giỏi Toán, nâng cao trình độ giáo viên Toán ở các trường trung học phổ thông chuyên.
Tuy nhiên, “Viện không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ nếu thiếu sự quan tâm, ủng hộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ và cộng đồng các nhà khoa học trong và ngoài nước”, Giáo sư Ngô Bảo Châu khẳng định.
Tại Lễ ra mắt, một số giáo sư quốc tế cũng đã chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu của các Viện nghiên cứu toán học quốc tế, từ đó giúp các nhà toán học Việt Nam cũng như cán bộ Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán Việt Nam có được cái nhìn tổng quan về hoạt động của Viện trong tương lai.
- Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/12/2010. Viện trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Ngày 03/3/2011: GS Ngô Bảo Châu được bổ nhiệm làm Giám đốc Khoa học của Viện.
- Ngày 01/6/2011: GS Lê Tuấn Hoa được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành
Theo quy chế tổ chức và hoạt động, Viện sẽ trở thành một trung tâm toán học xuất sắc, có môi trường làm việc tương đương với một số nước phát triển về Toán để trao đổi học thuật nhằm nâng cao năng lực khoa học của các nhà nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng toán học.
- Trụ sở của Viện đặt tại tầng 7 tòa nhà Thư viện Tạ Quang Bửu (Đại học Bách khoa Hà Nội).
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN