Hội nghị Điện hạt nhân Châu Á lần thứ 2
20/01/2011
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Trong hai ngày 18-19/01/2011, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phối hợp với Cục Năng lượng Nguyên tử Việt Nam thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cùng công ty tổ chức sự kiện Synergy tổ chức Hội nghị điện hạt nhân Châu Á lần thứ 2.
Hơn 100 đại biểu đến từ các nước trong khu vực Châu Á đang tham gia vào điện hạt nhân cùng đại diện các nước có nền công nghiệp điện hạt nhân phát triển như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga đã tham dự hội nghị nói trên.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến triển vọng và vai trò của điện hạt nhân; sự phát triển điện hạt nhân trong khu vực và cơ hội cho các chương trình hợp tác; nguồn lực và công nghệ. Trong đó, những kinh nghiệm trong giai đoạn đầu của chương trình hạt nhân mới; những bước chuẩn bị đầu tiên khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới và tìm sự đồng thuận từ công chúng là những nội dung được bàn luận sôi nổi.
Các đại biểu đều nhận định, phát triển điện hạt nhân sẽ tăng cường tính an ninh trong cung cấp năng lượng, đảm bảo các nguồn tài nguyên trong nước được sử dụng một cách hợp lý; Tăng cường tiềm lực khoa học - kỹ thuật và công nghệ phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp và kinh tế tăng; Giảm phát thải khí ô nhiễm môi trường; và phù hợp với xu thế hiện nay, tương lai của khu vực và thế giới; Đảm bảo cân đối, đáp ứng đầy đủ nhu cầu năng lượng cho đất nước trong tương lai, bảo tồn các nguồn nguyên liệu hóa thạch; Đảm bảo tính kinh tế khi cạnh tranh với các nhiên liệu nhập khẩu.
Sau gần 10 năm nghiên cứu, khảo sát và chuẩn bị, chủ chương xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2009. Hiện nay, EVN cho biết, Việt Nam đang gấp rút tiến hành các công tác chuẩn bị để có thể khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020.
Hội nghị là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia về điện hạt nhân và các doanh nghiệp tại Việt Nam tiếp cận, trao đổi thông tin và bài học kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước trong các vấn đề liên quan đến dự án điện hạt nhân để ứng dụng vào hoàn cảnh của Việt Nam.
QA (Nguồn: TT Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN)