Buổi báo cáo có sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tế bào gốc (TBG) như: TS.BS. Mai Văn Điển (Giám đốc Y khoa Ngân hàng TBG MekoStem), ThS. Phan Kim Ngọc (Trưởng Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu và ứng dụng TBG - ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP. HCM), ThS. BS. Huỳnh Văn Mẫn (Phó trưởng Khoa Ghép TBG - BV Truyền máu Huyết học TP.HCM), ThS.BS. Lê Thị Bích Phượng (Đơn vị TBG, BV đa khoa Vạn Hạnh TP.HCM) và ông Nguyễn Thanh Quang đến từ Phòng Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm, công ty TNHH Thế Giới Gen (GENEWORLD).
Công nghệ tế bào gốc là một trong những lĩnh vực công nghệ sinh học sôi động nhất hiện nay. Tuy ra đời muộn (1998) nhưng lĩnh
vực này lại phát triển rất nhanh với các kỹ thuật hiện đại, phức tạp; sớm trở thành một ngành công nghiệp đồ sộ với ứng dụng vô cùng thiết thực trong nhiều lĩnh vực như: y học tái tạo, sinh dược phẩm, thẩm mỹ, thực phẩm và chăn nuôi-bảo tồn.
Riêng với y học, liệu pháp tế bào gốc đang tạo ra bước ngoặt quan trọng trong việc điều trị các bệnh ung thư, bệnh di truyền, bại não, HIV...; đồng thời mở ra một hướng đi mới đầy hấp dẫn "Y học cá thể hóa" (Personalized medicine).
Đơn vị đầu tiên ở nước ta ứng dụng công nghệ TBG thành công là Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM. Ngân hàng Tế bào gốc MekoStem cũng là đơn vị duy nhất hiện nay được quyền chính thức cung cấp dịch vụ bảo quản-lưu trữ TBG dây rốn trẻ sơ sinh cho cộng đồng. Một số bệnh viện khác có ứng dụng TBG trong trị liệu bao gồm: BV đại học Y Dược, BV Vạn Hạnh, BV ND 115, Chợ Rẫy, Ung Bướu, Chấn thương chỉnh hình TP.HCM.
Theo ThS. Phan Kim Ngọc, TBG đang trở thành trung tâm của ngành sinh học-y học, nhưng Việt Nam vẫn chưa có công trình nghiên cứu đáng kể nào trong lĩnh vực này, chủ yếu là ứng dụng những nghiên cứu có sẵn. Việc thiếu hành lang pháp lý, các chương trình đào tạo cơ bản, khó khăn về tài chính và, cơ sở vật chất và đội ngũ chuyên môn là những rào cản chính khiến ngành công nghiệp TBG nước ta chưa thể phát triển.