Hướng tới xã hội sản xuất và tiêu thụ bền vững
25/04/2013
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Ngày 18/4/2013 tại Hà Nội, Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam (VNCPC) phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã tổ chức Hội thảo “Hướng tới xã hội sản xuất và tiêu dùng bền vững, thông qua thực hiện hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn”. Hội thảo cũng là dịp kỷ niệm 15 năm thành lập VNCPC.
Hướng tới xã hội sản xuất và tiêu dùng bền vững, thông qua thực hiện hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (ảnh: internet)
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Trần Văn Nhân, Giám đốc VNCPC cho biết, sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế, đặc biệt là sự phát triển nhanh của các ngành công nghiệp trong 20 năm qua đã dẫn đến sự tổn hại tài nguyên và làm suy giảm chất lượng môi trường.
Để hỗ trợ kịp thời cho Việt Nam kiến thức và kinh nghiệm quốc tế về phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong công nghiệp phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng phát triển bền vững, VNCPC được thành lập nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất sạch hơn.
Tính đến năm 2009, đã có trên 250 doanh nghiệp trực tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của VNCPC. Các doanh nghiệp này đã thu được các lợi ích khá ấn tượng về kinh tế và môi trường từ áp dụng sản xuất sạch hơn trong năm tham gia trình diễn kỹ thuật.
Tổng giá trị lợi ích kinh tế nhờ tiết kiệm nguyên, vật liệu, nhiên liệu và năng lượng của các doanh nghiệp là 9,7 triệu USD/năm, trong khi tổng đầu tư cho thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn là 4,7 triệu USD. Đồng thời các doanh nghiệp này cũng đã giảm được trung bình từ 20 - 50% nước thải và khí thải, 10 - 40% chất thải rắn.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi thông tin và kinh nghiệm đạt được trong áp dụng sản xuất sạch hơn và xây dựng các mẫu hình sản xuất và tiêu thụ bền vững tại Việt Nam trong những năm qua. Trong bối cảnh “Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh” vừa được thông qua tháng 9/2012, Hội thảo đề xuất định hướng cho các hoạt động về Sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) phục vụ chiến lược phát triển bền vững của đất nước.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết: Trong 20 năm qua, Việt Nam đã có sự tăng trưởng ngoạn mục với tốc độ cao, tuy nhiên, đi kèm sự tăng trưởng đó là sự hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Do đó, cùng với sự giúp đỡ của UNIDO và các tổ chức quốc tế khác, hoạt động sản xuất sạch hơn đã được triển khai, phần nào đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của Việt Nam.
Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam (VNCPC) được thành lập năm 1997 trong khuôn khổ các dự án được ký giữa UNIDO với Bộ Giáo dục và Đào tạo do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ nhằm giới thiệu và chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm quốc tế về phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong công nghiệp, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng phát triển bền vững. Từ chỗ là một trung tâm tập trung vào nâng cao nhận thức và nâng cấp công nghệ cho doanh nghiệp hướng tới sản xuất sạch hơn, đến nay lĩnh vực hoạt động của VNCPC đã bao gồm cả các dự án về đổi mới sản phẩm và thúc đẩy tiêu dùng bền vững từ phía người tiêu dùng. Chính vì thế hiện nay VNCPC đã trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới Toàn cầu về Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất Sạch hơn (RECPnet) của UNIDO và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP).
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN