Theo bà Phan Quý Trúc (Phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), trên địa bàn TP.HCM hiện có hơn 20 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, trong đó có 10 cơ sở thuộc khối nhà nước, còn lại là các cơ sở ươm tạo tư nhân. Các cơ sở nhà nước đều đánh giá mục tiêu và chiến lược hoạt động phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và thị trường Việt Nam. Các cơ sở ươm tạo trong các trường đại học đã bước đầu thu hút được sự quan tâm của giới sinh viên và giảng viên, tận dụng nguồn lực để nuôi dưỡng doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên kết quả đạt được chưa như kỳ vọng, tỷ lệ doanh nghiệp tốt nghiệp chưa cao. Trong khi đó, các cơ sở ươm tạo tư nhân kết quả ươm tạo khá tốt, tỷ lệ doanh nghiệp tốt nghiệp trên 60%, thường vượt qua mục tiêu mong đợi của đơn vị. Nguyên nhân của tình trạng này là do các lĩnh vực ươm tạo của các cơ sở khối nhà nước thường là công nghệ thông tin, nông nghiệp, công nghệ cao, công nghệ sinh học,… đòi hỏi chi phí cho máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu cao, thời gian ươm tạo dài. Ngược lại, các cơ sở tư nhân (đa số là các đơn vị tăng tốc khởi nghiệp) chủ yếu tập trung vào lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông,… có chi phí đầu tư không lớn, thời gian ươm tạo ngắn, thu hồi vốn nhanh.
Về hỗ trợ cho các cơ sở ươm tạo, hiện có 15 cơ sở ươm tạo đã ký biên bản hợp tác với Sở KH&CN TP.HCM cùng phối hợp hỗ trợ các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (SpeedUp 2017), đồng ý hỗ trợ cho 14 dự án với tổng kinh phí gần 12 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở cũng hỗ trợ các cơ sở ươm tạo tổ chức các sự kiện, cuộc thi về khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo.
TS. Nguyễn Hải An đề xuất một số cơ chế chính sách cho các cơ sở ươm tạo. Ảnh: LV.
TS. Nguyễn Hải An (Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM) cho biết, nguồn tài trợ cho các cơ sở ươm tạo hiện nay chủ yếu từ ngân sách nhà nước, tập trung vào mặt bằng và cơ sở nhà xưởng. Đây là điểm khác biệt của Việt Nam với các nước, nhất là Trung Quốc, nơi trong giai đoạn 10 năm đầu phát triển, các cơ sở ươm tạo nhận được sự hỗ trợ toàn diện của Chính phủ, để đảm bảo sự phát triển bền vững, tránh tình trạng tự phát. Các nguồn vốn khác tài trợ cho hoạt động ươm tạo, nhất là các cơ sở ươm tạo công nghệ cao vẫn còn hạn chế.
Điều này chủ yếu do khung pháp lý chậm được ban hành, các quỹ hỗ trợ trực tiếp đến nay chưa hoạt động,… Hiện nay, đa số các cơ sở ươm tạo tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối các doanh nghiệp với các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước. Trong đó, nguyên nhân đáng kể là những hạn chế của thị trường đầu tư mạo hiểm. Việc thị trường chứng khoán còn kém phát triển cũng hạn chế đầu tư mạo hiểm đối với các doanh nghiệp trong cơ sở ươm tạo.
Theo ông Lê Thành Nguyên (Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao), các dự án khởi nghiệp rất cần sự tham gia đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động này. Đồng thời, chưa có những cơ chế ưu đãi trong thành lập mới các quỹ đầu tư mạo hiểm và thu hút các quỹ này đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Thực tế tại Khu Công nghệ cao TP.HCM cũng đang vận động thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm cho lĩnh vực công nghệ cao, nhưng vẫn phải chờ hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan để chính thức ra mắt và vận hành quỹ.
Trưng bày giới thiệu một số sản phẩm, dự án khởi nghiệp bên lề hội thảo. Ảnh: LV.
Ngoài ra, nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, các cơ sở ươm tạo còn gặp nhiều khó khăn, bất cập như chưa có đủ mạng lưới chuyên gia và dịch vụ chuyên nghiệp nhằm phục vụ công tác ươm tạo; mô hình hoạt động còn trong giai đoạn mày mò, rút kinh nghiệm; chưa có quy định về bản quyền và sở hữu trí tuệ; cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ các nhu cầu của doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cơ khí, tự động hóa, công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao; chất lượng doanh nghiệp đầu vào còn hạn chế, doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch kinh doanh chưa hoàn chỉnh, còn mang tính lý thuyết,…
Để thúc đẩy các cơ sở ươm tạo hoạt động có hiệu quả, bền vững, theo ông Lê Thành Nguyên, một trong những hỗ trợ thiết thực nhất, cần có cơ chế ưu tiên cho các dự án khởi nghiệp là giúp cho họ tham gia thực hiện các hợp đồng cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho nhà nước. Đồng thời nên đa dạng hóa các loại quỹ với tính chất, mức độ hỗ trợ khác nhau, đáp ứng phù hợp với nhu cầu của mỗi dự án.
TS. Nguyễn Hải An cũng đề xuất cần huy động, khuyến khích tất cả các nguồn lực trong và ngoài nước để tăng hiệu quả việc thành lập và vận hành các cơ sở ươm tạo. Các cơ sở ươm tạo nên đặt tại các khu công nghệ cao, công viên khoa học, trường đại học, viện nghiên cứu, nhằm mục đích thúc đẩy phát triển công nghệ, tận dụng nguồn lực tại chỗ, tận dụng công nghệ mới,… Đồng thời, phải xem việc phát triển hệ thống cơ sở ươm tạo là nền tiệc ảng nhằm thương mại hóa công nghệ và thúc đẩy đổi mới, chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, cần đảm bảo sở hữu trí tuệ đối với các cơ sở ươm tạo, doanh nghiệp công nghệ được ươm tạo; tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ sở ươm tạo theo chuẩn mực quốc tế để rút kinh nghiệm, điều chỉnh, đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động của cơ sở ươm tạo. Việc kêu gọi và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, tài trợ, góp vốn xây dựng, phát triển, tạo nguồn thu cho các cơ sở ươm tạo là phương thức cần thiết để hoạt động lâu dài và bền vững. Tuy nhiên, sự can thiệp của nhà nước cần theo hướng đảm bảo các cơ sở ươm tạo hoạt động có hiệu quả, đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, đạt được sự tự chủ trong dài hạn.