Ngành công nghiệp thực phẩm đang đứng trước những thách thức lớn trong việc giải quyết an ninh lương thực toàn cầu; sử dụng các phụ gia, phụ liệu thực phẩm tạo ra giá trị gia tăng của nguyên liệu thực phẩm; phát triển thực phẩm chức năng; an toàn thực phẩm. Những vấn đề này sẽ được đề cập chi tiết trong hội thảo khoa học của Hội Khoa học và Công nghệ thực phẩm Việt Nam (VAFoST) tổ chức tại Triển lãm Nguyên liệu Phụ gia thực phẩm (Food ingredients - Fi Vietnam 2016).
Fi Vietnam 2016 sẽ được Công ty UBM Asia tổ chức tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, quận 7, TP.HCM từ ngày 18 – 20/5, dành riêng cho ngành nguyên liệu phụ gia thực phẩm và đồ uống tại khu vực Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu của các chuyên gia ngành nguyên liệu thực phẩm và đồ uống (F&B). Thông tin được công bố trong buổi họp báo ngày 21/4 tại TP.HCM.
Theo bà Rungphech (Rose) Chitanuwat (Giám đốc Kinh doanh Công ty UBM Asia), các số liệu thống kê cho thấy tiềm năng phát triển cực lớn của ngành công nghiệp F&B Việt Nam. Với dân số 91 triệu dân, phần lớn ở độ tuổi dưới 30, đây là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của dịch vụ thực phẩm và khả năng tiêu thụ thực phẩm chế biến. Ngoài ra, theo khảo sát của Grant Thormton Vietnam năm 2015, ngành F&B được đánh giá là một trong hai ngành thu hút đầu tư nhiều nhất với sự tăng nhẹ từ 33% của năm trước lên 34%. Những yếu tố này khiến Việt Nam trở nên vô cùng hấp dẫn trong mắt các nhà sản xuất và cung cấp nguyên liệu phụ gia thực phẩm trong và ngoài nước.
Với sự tham gia của 150 nhà phân phối và sản xuất nguyên liệu thực phẩm trong nước và khu vực, tại Fi Vietnam 2016, các doanh nghiệp và nhà sản xuất trong ngành F&B có thể tìm thấy những nguyên liệu phụ gia mới để tạo ra sự khác biệt, tăng giá trị, cải thiện chất lượng an toàn thực phẩm cũng như tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề về nguồn nguyên liệu của mình. Năm nay UBM sẽ mang đến một hệ thống với tính năng mới là chương trình “Kết nối doanh nghiệp” giúp khách tham dự có thể gặp gỡ được các đơn vị trưng bày phù hợp. Dự kiến chương trình sẽ thực hiện 500 cuộc kết nối thông qua tính năng này và sự kiện Fi Vietnam 2016 sẽ thu hút hơn 4.500 chuyên gia trong ngành F&B.
Bà Lý Kim Chi (Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM - FFA) cho biết, năm 2015, tổng mức tiêu thụ thực phẩm và đồ uống trên thị trường nội địa đạt hơn 40 tỷ USD, chiếm 71% tổng giá trị sản xuất, còn lại 21% là xuất khẩu. Cơ hội của ngành chế biến lượng thực thực phẩm và đồ uống khá lớn khi hiện nay hệ thống chuỗi cửa hàng tiện lợi trên thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng mở rộng về quy mô và chất lượng; cơ cấu sản xuất ngành này của TP.HCM được hỗ trợ chuyển dịch theo hướng giảm dần các sản phẩm sơ chế, tăng dần các sản phẩm chế biến sâu. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đang xây dựng và triển khai đề án “Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến 2025” nhằm hỗ trợ tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành.
Tuy nhiên, kèm theo đó là những thách thức không nhỏ khi Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một phần hoặc toàn bộ máy móc, dây chuyền sản xuất từ nước ngoài với chi phí cao; nhập khẩu một số nguyên liệu phục vụ cho sản xuất vì trong nước chưa sản xuất được,… Do vậy, các doanh nghiệp cần chủ động cải tiến các sản phẩm hiện có, áp dụng các tiêu chuẩn vào sản xuất và chế biến như HACCP, VietGap; chú trọng đầu tư vào máy móc, hệ thống dây chuyền thiết bị hiện đại, đổi mới công nghệ,… để tăng chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc tìm hiểu về nguồn nguyên liệu thực phẩm sẽ giúp các doanh nghiệp kiểm tra kiểm soát được đầu vào từ đó đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng, ổn định được nguồn cung, tránh nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu và biến động về giá cả. Tại Fi Vietnam 2016, FFA sẽ ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong thương mại quốc tế.
GS. Lưu Duẩn (Phó Chủ tịch VAFoST) trao đổi với báo chí tại buổi họp báo ngày 21/4 về Fi Vietnam 2016. Ảnh: LV. Theo GS. Lưu Duẩn (Phó Chủ tịch VAFoST), đứng trước những thách thức của ngành công nghiệp thực phẩm hiện nay, các doanh nghiệp cần thường xuyên quan tâm đổi mới công nghệ, đồng thời cần có sự hỗ trợ tháo gỡ về chính sách, đổi mới canh tác để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm. Vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay đặt ra yêu cầu ứng dụng công nghệ cao, các thiết bị phân tích, thí nghiệm hiện đại để kiểm tra sản phẩm. Fi Vietnam 2016 không chỉ là một diễn đàn thương mại mà còn mang đến cơ hội cập nhật kiến thức từ các chuyên gia trong ngành, cập nhật thông tin kỹ thuật cùng những cải tiến công nghệ mới nhất để hoàn thiện chiến lược kinh doanh, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hội thảo của VAFoST lần này có chủ đề “Phụ gia thực phẩm – Khoa học – Nguồn cung cấp – Giải pháp”. Báo cáo chính tại hội thảo gồm: polysaccharide làm chất phụ gia; thực phẩm giả và giả thực phẩm; năm 2016, năm của đậu; phương pháp tối ưu hoá chi phí trong chuỗi cung ứng phụ gia thực phẩm; sử dụng phụ gia trong công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát; phát hiện các thành phần vi lượng trong thực phẩm,…
Trong khuôn khổ Fi Vietnam 2016 còn có giải thưởng “Thực phẩm an toàn cho các tài năng trẻ” do VAFoST, UBM và Đại học Công nghệ Sài Gòn kết hợp tổ chức. Cuộc thi nhằm tạo cơ hội cho các sinh viên ngành công nghệ thực phẩm đến từ các trường cao đẳng, đại học, trung cấp nghề của Việt Nam và Campuchia có thể ứng dụng các kiến thức đã học vào việc phát triển các sản phẩm thực phẩm mới bằng cách kết hợp các nguyên liệu thô và các nguyên liệu phụ gia thực phẩm. Ngoài ra còn có các hoạt động như diễn đàn cao cấp của ngành sản xuất thực phẩm FFA; hội thảo thức uống có cồn khu vực ASEAN (Hiệp hội Bia, rượu và Nước giải khát Việt Nam – VBA tổ chức); hội thảo về trà thảo mộc (Helvetas tổ chức) cập nhật thông tin thị trường và xu hướng nghiên cứu của ngành công nghiệp đồ uống, trà thảo mộc tại Việt Nam; và các hội thảo kỹ thuật với phần thuyết trình từ các đơn vị trưng bày.
Lam Vân