SpStinet - vwpChiTiet

 

Gọi vốn để khởi nghiệp - Giải pháp kỹ thuật phải “sát” thị trường

SpeedUp 2017 của Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TPHCM là chương trình tiên phong, thiết thực, nhằm hỗ trợ một phần kinh phí các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Dẫu vậy, sau gần 1 năm triển khai, trong tổng số 122 hồ sơ đăng ký, chỉ có 14 dự án được chọn hỗ trợ. Hội đồng thẩm định dự án của chương trình đã đưa ra lý do khiến hàng loạt dự án “rớt” từ vòng đầu. 

Chú trọng khả năng thương mại hóa 

Không chỉ tiết kiệm diện tích và chi phí, giải pháp nhà xe thông minh còn giúp người dùng dễ dàng tìm thấy xe của mình trong bãi đậu thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh (smartphone). Sản phẩm được Phan Văn Hán, cựu sinh viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM, kỳ vọng góp phần giải quyết tình trạng đậu xe lấn chiếm lòng lề đường khá phổ biến tại các đô thị lớn hiện nay. Thế nhưng, dự án lại “rớt” từ vòng tuyển chọn tại Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ của Đại học Bách khoa, vì không có sản phẩm hoàn chỉnh. Lý do là do chi phí thiết kế quá lớn, trong khi dự án chưa có đơn vị hỗ trợ làm mô hình thật, nên nhóm mang đến chương trình chỉ với bản thiết kế mô hình mini.

Đó là ví dụ điển hình được ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp - Công viên phần mềm Quang Trung, Phó ban Điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ thông tin TPHCM, nêu ra khi nói về những tồn tại của các cá nhân, tổ chức khởi nghiệp (startup). Theo ông Tuấn, chương trình đặt ra yêu cầu chỉ chọn lựa các dự án có sản phẩm hoàn thiện và có khả năng thương mại hóa. Đây là điều dễ hiểu đối với một chương trình tiên phong của Nhà nước trong hỗ trợ khởi nghiệp. Vì lẽ đó, những dự án nếu chỉ ở giai đoạn ý tưởng hoặc phát triển mới một phần sản phẩm sẽ có rất ít cơ hội gọi vốn thành công. 

Một nguyên nhân khác, theo đại diện Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao - Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, đó là nhiều chủ dự án thiếu sự chuẩn bị, cả nội dung lẫn cách thức thuyết trình, khi đến với SpeedUp 2017. Vị chuyên gia này nhấn mạnh, trước hội đồng thẩm định, các startup phải thể hiện được sự hấp dẫn, tính khả thi của giải pháp công nghệ, nhân lực, tài chính... Trong đó, sản phẩm từ dự án có tính thương mại cao, mô hình kinh doanh đó có thể nhân rộng... là những lợi thế được hội đồng chú ý.

Từ kinh nghiệm của nhà đầu tư, ông Phan Đình Tuấn Anh, nhà sáng lập mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần Angel 4 Us, cho rằng: Một vấn đề các startup dễ bỏ quên là công tác nhân sự. Điển hình là dự án “Hệ thống xếp hàng khám bệnh thông minh” của Công ty Lucky Telecom - một trong 14 dự án nhận được hỗ trợ từ SpeedUp 2017. Trước đó, sản phẩm của công ty cũng đã được triển khai ở nhiều bệnh viện tại TPHCM, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế… Nhưng theo đại diện của Lucky Telecom, nhiều khó khăn trong công việc hành chính chưa thể giải quyết, bởi nhân sự đều là dân kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm và kiến thức về quản lý, hành chính.

Cơ hội đến từ đâu?

Theo lãnh đạo Sở KH&CN TPHCM, những đòi hỏi của SpeedUp 2017 đối với startup ngay từ khi manh nha ý tưởng là cần thiết, nhưng không vì thế mà các startup nản lòng. Nói như anh Hà Văn Lộc, Trưởng nhóm dự án Sài Gòn TCS - dự án vừa nhận được 700 triệu đồng từ chương trình SpeedUp, tham gia chương trình giúp chủ dự án định hình được mình đang ở đâu để cố gắng và hoàn thiện. Song song đó, bản thân các startup cũng tìm thêm các cơ hội khác từ những xu hướng khởi nghiệp mà hội đồng thẩm định đặt ra.

Như mới đây, ở buổi gọi vốn tại Vườn ươm doanh nghiệp - Công viên phần mềm Quang Trung, đại diện Công ty Văn Bền (chủ dự án Media Dictionary - Từ điển đa phương tiện, vừa được Sở KH&CN TP.HCM cấp vốn 500 triệu đồng từ chương trình SpeedUp) cho rằng, hướng đến cộng đồng cũng là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành bại của các dự án trước hội đồng chuyên môn. Ông Nguyễn Văn Bền bật mí “bí quyết” thuyết phục được hội đồng chuyên môn: Vì mục tiêu của dự án là phục vụ miễn phí cho các em học sinh. Giáo viên đang giảng dạy tại các trường học cũng được miễn phí 50% khi sử dụng phần mềm.

Với vai trò là trung gian giữa ngân hàng và người dân, các sản phẩm công nghệ tài chính (Fintech) cũng được dự báo là mô hình khởi nghiệp đầy triển vọng tại Việt Nam mà các startup cần hướng tới. Với Fintech, chỉ bằng cái chạm tay trên điện thoại thông minh hay cú click chuột, người dùng đã có thể giải quyết những công việc vốn phức tạp, như vay tiêu dùng hay làm thẻ tín dụng. Đặc biệt mới đây, Sở KH&CN TPHCM đã hợp tác với Vườn ươn Fintech Future’s Lab của tập đoàn tài chính Hàn Quốc Shinhan nhằm tìm ra các Fintech để hai bên đầu tư, mua bán, chuyển giao công nghệ. Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà tập đoàn này nhắm đến để triển khai chương trình toàn cầu về hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech để đón đầu xu hướng tiền điện tử (crypto currency), công nghệ thanh toán, phân tích hành vi... 

Ông Chu Bá Long, Phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ - Sở KH&CN TPHCM, cho biết TP có nhiều chương trình trợ giúp các nhà sáng chế, bắt đầu từ khi sản phẩm chỉ mới ở mức ý tưởng, cho đến khi ra sản phẩm có thể đưa ra thị trường. Thậm chí, khi dự đoán được sản phẩm nghiên cứu có thể thành công trên thị trường, TPHCM còn có chương trình kích cầu đầu tư, hỗ trợ lãi suất vay tới 7 năm. Thông qua chương trình này, chưa đầy 10 năm qua, TP.HCM đã hỗ trợ lãi suất lên tới 6.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả