Bộ KH&CN đã chính thức mở đợt tiếp nhận đề xuất nhiệm vụ thuộc Đề án 844 để thực hiện từ năm 2021 (xem hướng dẫn chi tiết tại: https://bit.ly/844_Dexuatnhiemvu), hạn cuối đến ngày 04/05/2020.
Bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào cũng có thể tham gia đề xuất nhiệm vụ. Đây sẽ là những "đề bài" để Bộ KH&CN xây dựng danh mục nhiệm vụ triển khai Đề án 844 cho năm 2021.
Các nhiệm vụ đề xuất sẽ được đánh giá dựa trên 4 tiêu chí: tính mới và cấp thiết; nhu cầu phải huy động nguồn lực quốc gia; khả năng huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách và sự phù hợp giữa khả năng thực hiện với căn cứ đề xuất.
Từ danh mục nhiệm vụ này, Bộ KH&CN, Đề án 844 sẽ mở đợt kêu gọi các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp có khả năng thực thi và cung cấp kinh phí, cùng sự hỗ trợ, đồng thành để các tổ chức đó góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Ông Trần Trí Dũng - Quản lý chương trình, Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ (Swiss EP) cho rằng đây là một cách tiếp cận tích cực khi chính những chủ thể trong hệ sinh thái có thể tự xây dựng 'không gian sống' thích hợp với mình.
"Các chủ thể của hệ sinh thái sẽ đặt hàng cơ quan nhà nước - ở đây chính là Bộ KH&CN, Đề án 844 - về những giải pháp hỗ trợ giải quyết các vấn đề cần thiết nhất đối với khởi nghiệp sáng tạo. Người chuẩn bị và cung cấp giải pháp lại cũng chính là các chủ thể của hệ sinh thái. Cơ quan nhà nước sẽ đóng vai trò đảm đương việc tạo lập khuôn khổ, điều phối và tận dụng tận dụng nguồn lực, giám sát thực thi và đánh giá hiệu quả,” ông Trần Trí Dũng nói.
Trong 4 năm qua, Đề án 844 đã triển khai gần 70 nhiệm vụ với hơn 100 đơn vị, tổ chức trên khắp cả nước tham gia và hơn 52 địa phương ban hành kế hoạch triển khai.
Những hướng ưu tiên của năm 2021
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, nơi tiếp nhân các đề xuất, danh mục nhiệm vụ triển khai Đề án 844 luôn được thay đổi, làm mới hàng năm sao cho vừa giải quyết được những mối quan tâm chính của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt, vừa tăng cường kết nối, khai thác hiệu quả các nguồn lực sẵn có cho khởi nghiệp sáng tạo ở phạm vi địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế.
Tuy nhiên, nhìn chung danh mục vẫn duy trì các nhóm nhiệm vụ cốt lõi như: nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách; đào tạo, nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân; cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp; hỗ trợ và liên kết các thành phần thuộc hệ sinh thái; và truyền thông phát triển văn hóa khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, Đề án 844 muốn các nhiệm vụ đề xuất cho năm 2021 hướng tới một số nhu cầu cấp thiết như:
- Chuẩn hóa giáo trình về khởi nghiệp sáng tạo trong trường đại học, hướng tới việc phát triển cơ sở ươm tạo (Business Incubator - BI) trong trường đại học, thúc đẩy sự tham gia của nhà nghiên cứu vào việc phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; thương mại hóa kết quả nghiên cứu thông qua mô hình văn phòng chuyển giao công nghệ (Technology Transfer Office - TTO) hoặc văn phòng cấp phép công nghệ (Technology Licensing Office - TLO).
- Kết nối startup tham gia hoạt động thúc đẩy kinh doanh tại các tổ chức quốc tế. Hiện đa số các tổ chức thúc đẩy kinh doanh (Business Accelerator - BA) của Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn mới thành lập và cần thêm cả kinh nghiệm và hỗ trợ chuyên môn. Do vậy, trong năm 2021, nhóm nhiệm vụ liên quan đến tăng tốc được định hướngliên kết hoặc phối hợp với các BA quốc tế có uy tín và các chuyên gia nước ngoài nhằm thực hiện những chương trình chuẩn quốc tế để startup và hệ sinh thái nâng tầm chất lượng.
- Hình thành mạng lưới cố vấn, nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia. Việt Nam đã bắt đầu có những trung tâm và mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp nhưng hoạt động vẫn còn rời rạc. Do vậy, Đề án 844 khuyến khích những ý tưởng mới, giúp cho việc kết nối mạng lưới ở quy mô quốc gia và quốc tế.
Theo thống kê từ Văn phòng Đề án 844, từ đầu năm 2020 đến nay, đã có ít nhất 10 thương vụ đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được tiến hành, tổng số đầu tư khoảng 40,4 triệu USD.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc các startup tập trung phát triển, lấy công nghệ làm nền tảng sẽ là lợi thế cho cuộc đua chứng minh hiệu quả và giá trị mô hình kinh doanh.
Tuy nhiên, startup với khả năng tăng trưởng nhanh, không giới hạn về quy mô và giá trị thị trường doanh nghiệp, vẫn luôn có tính rủi ro cao hơn với doanh nghiệp truyền thống cùng mô hình kinh doanh đã có sẵn, đã được kiểm chứng với thị trường ổn định. Chính vì vậy, startup không chỉ cần có vốn mà cần nhiều sự hỗ trợ từ các tổ chức trung gian trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Nguồn: Ngô Hà (Theo VP Đề án 844) - khoahocphattrien.vn