SpStinet - vwpChiTiet

 

Cacboxymetyl hóa tinh bột từ một số lương thực không phổ biến ứng dụng làm nguyên liệu tá dược trong thuốc viên nén

Trong đề tài này, tác giả Vũ Thị Hường và cộng sự (Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM) đã tách, thu hồi tinh bột từ hạt mít và củ khoai sọ; nghiên cứu quá trình carboxymethyl hóa tinh bột hạt mít, củ khoai sọ; khảo sát đặc trưng cấu trúc tinh bột trước và sau carboxymethyl hóa; thử nghiệm bào chế viên nén sử dụng tinh bột carboxymethyl làm tá dược.

Bên cạnh các nguồn tinh bột phổ biến (lúa mì, ngô, khoai tây và sắn), tinh bột từ cây họ đậu, cây thân rễ, cây thân củ và từ các loại hạt được coi là nguồn tinh bột không phổ biến. Hiện nay, việc phân tách và biến tính tinh bột từ các nguồn không phổ biến được xem là hướng đi đầy hứa hẹn do tận dụng tối đa và nâng cao giá trị sử dụng nguồn nông sản trong nước, không cạnh tranh với nhu cầu tiêu thụ tinh bột hàng ngày của con người. Đồng thời, cho phép mở rộng phạm vi các tính chất mong muốn của tinh bột, tận dụng được nguồn nguyên liệu phong phú, sẵn có. Điều này rất cần thiết để phát triển các sản phẩm mới trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, dược phẩm và vật liệu.

Trong đó, tinh bột hạt mít, tinh bột khoai sọ biến tính cho thấy khả năng ứng dụng đầy hứa hẹn trong các lĩnh vực sản xuất bánh kẹo, dược phẩm, giấy, dệt may, thực phẩm,…Ở Việt Nam, mít được trồng ở cả 3 miền, với diện tích ước tính khoảng 50.000 ha. Hạt mít chiếm khoảng 10-15% tổng trọng lượng quả và là loại hạt có giá trị cao về mặt lương thực. Bên cạnh đó, nguồn tinh bột không phổ biến khác như khoai lang, khoai sọ, củ mài, các loại đậu,…cũng rất dồi dào. Vì vậy, việc đẩy mạnh nghiên cứu chế biến và biến tính tinh bột từ các nguồn nguyên liệu sẵn có này là rất cần thiết.

Tinh bột carboxymethyl (CMS) là một tinh bột biến tính quan trọng với các tính chất đồng nhất do có các nhóm chức tích điện âm CH2COO-. CMS có ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp, sử dụng chủ yếu cho mục đích làm đặc, bảo quản, lưu trữ nước,…Nó cũng được sử dụng như một tác nhân làm dày trong in dệt và đặc biệt là tác nhân hồ sợi cho các sợi ưa nước.

Trong công nghiệp dược phẩm, CMS còn được gọi là tinh bột natri glycolat, thường được sử dụng như chất rã. Tinh bột carboxymethyl còn được sử dụng như một tá dược, một loại tác nhân liên kết để hoạt hóa thuốc, chúng hoạt động như chất bao và giúp tăng thời gian sử dụng của sản phẩm.

Đề tài nêu trên đã tách và thu hồi tinh bột hạt mít với hiệu suất 27,11%, tinh bột khoai sọ với hiệu suất 13,06%. Tổng hợp thành công CMS bằng phương pháp carboxymethyl hóa tác nhân acid chloacetic với sự có mặt của base mạnh NaOH từ hai nguyên liệu tinh bột hạt mít và tinh bột khoai sọ.

Từ kết quả nghiên cứu, một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình carboxymethyl hóa (nồng độ dung môi, tỷ lệ dung môi/khối lượng tinh bột, tỷ lệ nNaOH/nMCA- monochloacetic acid, tỷ lệ nMCA/nAGU - đơn vị anhydroglucose, nhiệt độ, thời gian), nhóm tác giả đã rút ra các điều kiện tối ưu cho kết quả tốt nhất thực hiện phản ứng carboxymethyl hóa tinh bột.

Khảo sát cấu trúc và một số đặc trưng vật lý của tinh bột nguyên liệu và tinh bột sản phẩm bằng phổ hồng ngoại (IR) cho thấy đã xảy ra phản ứng carboxymethyl hóa tạo sản phẩm, hình thái học bề mặt (SEM), phân bố kích thước hạt, độ nhớt, độ hòa tan và khả năng trương nở.

Thử nghiệm bào chế thuốc dạng viên nén paracetamol sử dụng CMS làm tá dược rã và đánh giá hiệu quả của tá dược, kết quả cho thấy đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn dược điển Việt Nam. Mẫu CMS do nhóm điều chế hoàn toàn đáp ứng nhu cầu về độ rã theo tiêu chuẩn dược điển Việt Nam. Ngoài ra, CMS có thể ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp như chất làm đặc trong thực phẩm, nhả thuốc, hồ vải, tráng giấy và đặc biệt có tiềm năng lớn trong lĩnh vực y sinh.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả