SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững tại các làng nghề khu vực nông thôn trên địa bàn TP.HCM

Đề tài do nhóm tác giả Lê Thanh Hải và cộng sự (Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐHQG-HCM) thực hiện để hỗ trợ triển khai các nội dung trong Quyết định số 3891/QĐ-UBND của UBND TP.HCM ngày 17/07/2013, tập trung đề xuất các giải pháp cụ thể về môi trường kết hợp du lịch và văn hoá truyền thống nhằm duy trì và phát triển bền vững các làng nghề trên địa bàn TP.HCM.

Nhóm tác giả tiến hành đánh giá hiện trạng và dự báo về các hoạt động sản xuất, các vấn đề môi trường tại các làng nghề trên toàn địa bàn TP.HCM; đề xuất các giải pháp công nghệ và quản lý nhằm bảo vệ môi trường phù hợp với định hướng phát triển tại các khu vực làng nghề chính của Thành phố (Làng nghề đan đát Thái Mỹ, huyện Củ Chi; Làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn; Làng nghề se nhang Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh; Làng nghề muối Lý Nhơn, huyện Cần Giờ; Làng nghề hoa, cây kiểng Xuân – An – Lộc, quận 12; Làng nghề hoa kiểng Thủ Đức; Làng nghề mành trúc Tân Thông Hội, huyện Củ Chi; Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, Củ Chi); nghiên cứu trình diễn mô hình xử lý chất thải và mô hình bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng nhằm phát triển bền vững làng nghề ở TP.HCM.

Kết quả nổi bật của đề tài này là đã đề xuất và phát triển được mô hình tổng hợp các giải pháp ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm tích hợp theo hướng sinh thái và có chi phí thấp cho các hộ làm nghề sản xuất bánh tráng (là nguồn tác động môi trường chủ yếu trong các làng nghề trên địa bàn TP.HCM). Mô hình này đã được triển khai thí điểm thành công ở hộ ông Nguyễn Văn Bảnh (ấp Cây Trâm, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi). Theo đó nhóm đề xuất thực hiện một hệ thống xử lý chất thải cho hộ gia đình làm nghề sản xuất bánh tráng kết hợp với chăn nuôi (mô hình công nông tích hơp) gồm hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống thu gom phân loại rác, hệ thống ủ phân compost, tái sử dụng nước tưới vườn cỏ.

Kết quả cho thấy, mô hình hoàn toàn phù hợp với các hộ dân trong làng nghề, đáp ứng được các yêu cầu pháp luật về bảo vệ môi trường. Mô hình có khả năng nhân rộng cao và có thể xem là kỹ thuật tốt nhất hiện có phù hợp cho các đối tượng làng nghề sản xuất bánh tráng ở khu vực nông thôn và có thể áp dụng cho nhiều làng nghề ở khu vực TP.HCM.

Một trong các giải pháp mới mang tính hiệu quả cao là tận dụng xỉ tro trong quá trình xử lý nước thải (nâng pH và khử trùng) giúp giảm được chi phí xử lý và tận dụng phần xỉ tro bỏ đi, tận dụng nước thải sau biogas có pH cao để xử lý khí thải lò hơi góp phần giảm thiểu phát thải, nhất là bụi và các khí axit (như SO2, HCl), nhiệt từ khói thải lò hơi góp phần bay hơi NH3 có trong nước thải sau biogas,… Các vấn đề này giúp cho mô hình hiệu quả hơn, giảm chi phí sử dụng hóa chất, chi phí vận hành tổng hợp các công trình xử lý khí thải, chất thải rắn và nước thải. Tro thải sau khi tận dụng để tham gia vào quá trình xử lý đã giảm nồng độ clorua có thể bón hiệu quả cho cây trồng, nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn có thể dùng để tưới tiêu vườn trồng cỏ voi cũng như các loại cây trồng khác.

Các tin khác: