Ảnh hưởng của giá thể và dinh dưỡng đến sinh trưởng của lan Thạch hộc tía giai đoạn 0 đến 3 tháng tuổi tại TP.HCM
Lam Vân
18/01/2019
KH&CN trong nước
Đề tài do nhóm tác giả Lê Thị Thu Mận, Tô Thị Thùy Trinh và cộng sự (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao) thực hiện nhằm xác định giá thể và công thức dinh dưỡng thích hợp trồng lan Thạch hộc tía (Dendrobium officinale Kimura et Migo) giai đoạn từ 0 đến 3 tháng tuổi tại TP.HCM.
Hiện nay Việt Nam đã tiến hành sưu tập và chú trọng phát triển các cây dược liệu, đặc biệt là những loài dược liệu quý hiếm. Trong đó, lan Thạch hộc tía được xem là một trong những cây dược liệu quý và là một trong những đối tượng được chú tâm phát triển vùng sản xuất và bảo tồn nguồn gen.
Trong giai đoạn đầu từ 0–3 tháng, giá thể trồng và dinh dưỡng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cây con trong vườn ươm. Do vậy, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát một số loại giá thể thích hợp cho sự sinh trưởng của lan Thạch hộc tía giai đoạn từ 0–3 tháng tuổi; khảo sát một số công thức phân bón thích hợp cho sự sinh trưởng của lan Thạch hộc tía giai đoạn 0–3 tháng tuổi tại TP.HCM.
Kết quả cho thấy, giá thể 40% mụn dừa + 30% rễ dương xỉ + 30% than củi vụn thích hợp cho sinh trưởng của cây lan Thạch hộc tía ở giai đoạn 0–3 tháng. Tỷ lệ sống đạt 96,7%, chiều cao cây 5,0 cm, số lá 6,4 lá/cây và đạt trọng lượng tươi cao nhất là 28,1 gram/10 cây sau 3 tháng trồng. Chế độ phân bón luân phiên hợp lý có tác dụng tốt đến sự sinh trưởng của cây. Công thức phân bón tốt nhất với sự sinh trưởng của lan Thạch hộc tía ở giai đoạn này là: phun 2 lần 30-10–10 phân hữu cơ Black Earth – vitamin B1. Các chỉ tiêu về sinh trưởng như chiều cao cây 5,3 cm, số chồi là 5,7 chồi/cây. Trọng lượng tươi thu được là 29,2 gram/10 cây sau 3 tháng trồng.
Ngoài ra, đề tài cũng có ý nghĩa cần thiết cho việc chuyển giao cây trồng cho nông dân cũng như hoàn thiện quy trình trồng cây lan Thạch hộc tía làm dược liệu; tận dụng những nguồn vật liệu sẵn có của địa phương để làm cơ sở đưa vào sản xuất thực nghiệm, phát triển vùng sản xuất, giảm giá thành mang lại hiệu quả kinh tế của người trồng.