SpStinet - vwpChiTiet

 

Tác động của vi sinh vật đường ruột đến giấc ngủ

Nhóm nghiên cứu do Giáo sư Masashi Yanagisawa tại Đại học Tsukuba (Nhật Bản) dẫn đầu, cho thấy các vi sinh vật trong đường ruột có khả năng ảnh hưởng tới chức năng của não và giấc ngủ.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trên chuột, bằng việc cho chuột uống một loại thuốc kháng sinh mạnh trong 4 tuần, khiến chúng cạn kiệt vi sinh vật đường ruột. Sau đó, họ so sánh bên trong ruột giữa những con chuột này và những con chuột ở nhóm đối chứng có cùng chế độ ăn.

Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy sự khác biệt đáng kể giữa số lượng chất chuyển hóa ở những con chuột cạn kiệt hệ vi sinh vật so với những con chuột ở nhóm đối chứng. Giáo sư Yanagisawa giải thích, "Chúng tôi tìm thấy hơn 200 sự khác biệt về chất chuyển hóa giữa các nhóm chuột. Những con chuột suy giảm hệ vi sinh vật bị thiếu khoảng 60 loại chất chuyển hóa so với những con chuột bình thường”.

Họ bắt đầu phân tích và phát hiện ra rằng sự thiếu hụt vi sinh vật đường ruột ảnh hướng đến việc tạo ra chất dẫn truyền thần kinh (chất dẫn truyền thần kinh là chất dẫn giúp tế bào trong não giao tiếp với nhau). Ví dụ, quá trình sản xuất serotonin từ tryptophan gần như bị ngừng hoàn toàn. Nhóm chuột bị suy giảm hệ vi sinh vật tuy có nhiều tryptophan hơn với nhóm đối chứng, nhưng hầu như không có serotonin. Điều này cho thấy rằng nếu không có các vi sinh vật đường ruột quan trọng thì những con chuột không thể tạo ra bất kỳ serotonin nào từ tryptophan.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những con chuột bị suy giảm hệ vi sinh vật cũng bị thiếu các chất để tổng hợp thành vitamin B6 (vitamin B6 giúp tăng tốc sản xuất chất dẫn truyền thần kinh serotonin và dopamine).

Phân tích của nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra tình trạng ngủ ở chuột bằng cách xem hoạt động của não trong điện não đồ. Nghiên cứu cho thấy so với những con chuột đối chứng, những con chuột bị suy giảm hệ vi sinh vật có nhiều giai đoạn ngủ REM (giấc ngủ có chuyển động mắt nhanh) và non-REM (giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh) hơn vào ban đêm (khoảng thời gian năng động nhất ở chuột), và ít ngủ non-REM hơn vào ban ngày (khi những con chuột bình thường hầu như chỉ ngủ). Nói cách khác, những con chuột bị suy giảm hệ vi sinh vật chuyển đổi giữa các giai đoạn ngủ/thức thường xuyên hơn so với chuột đối chứng.

Dựa vào những cơ sở trên, Giáo sư Yanagisawa dự đoán rằng việc thiếu serotonin là nguyên nhân gây ra những bất thường về giấc ngủ; tuy nhiên, cơ chế chính xác vẫn cần được tìm ra. Ông nói: “Chúng tôi phát hiện ra sự suy giảm vi sinh vật trong ruột có thể ảnh hưởng đến mức serotonin có trong não. Do đó, việc bổ sung vi sinh vật đường ruột trong chế độ ăn uống có khả năng giúp những người khó ngủ cải thiện tình trạng".

 Anh Phương (CESTI) – Theo MedicalXpress

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả