Khai phá
Microbiome - hệ vi sinh vật cộng sinh trên cơ thể người, đã được các nhà khoa học chứng minh có vai trò quan trọng trong sự sinh tồn, cũng như có tác động rất lớn đến sức khỏe con người. Xu hướng dựa trên microbiome để phát triển các sản phẩm hướng đến mục tiêu vì sức khỏe con người được giới khoa học cũng như doanh nghiệp nhắm đến, kỳ vọng sẽ hình thành nền “công nghiệp microbiome” nhiều tiềm năng. A-Mansia, một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp còn ở “thì tương lai” này, đã khởi nghiệp từ vi khuẩn đường ruột Akkermansia muciniphila, thu hút được trên 20 triệu euro trong vòng gọi vốn series A.
A.muciniphila hiện diện tự nhiên trong ruột người, là một trong những vi sinh vật được tìm thấy nhiều nhất trong ruột, tuy số lượng nhiều hay ít là tùy thuộc ở từng cá nhân. A. muciniphila tồn tại trong lớp dịch nhầy của biểu mô ruột, nhờ đó thiết lập mối "quan hệ trao đổi thông tin qua lại" (cross-talk) và tương tác với vật chủ, góp phần quan trọng trong quá trình trao đổi chất và miễn dịch của vật chủ. Các nghiên cứu đã cho thấy, A. muciniphila tác động làm tăng sản xuất chất nhầy và các phân tử kháng khuẩn, có vai trò như “người gác cổng” trong đường ruột, giúp duy trì khả năng miễn dịch, cũng như ổn định mức cholesterol và đường trong máu. A. muciniphila được giáo sư Willem M. de Vos tại Đại học Wageningen (Wageningen University), Hà Lan, phân lập năm 2004. Ông cho biết: “Chúng tôi phát hiện vi sinh vật cộng sinh độc đáo này khi nghiên cứu các vi khuẩn đường ruột có mối liên hệ mật thiết với con người. Thật thú vị khi tiếp tục nghiên cứu A. muciniphila để có thể góp phần nâng cao chất lượng đời sống con người”.
Vào năm 2008, giáo sư Patrice Cani tại Đại học Louvain (UCL - University of Louvain), Bỉ, cùng cộng sự tập trung nghiên cứu sự tương tác giữa vi khuẩn đường ruột và cơ chế chuyển hóa, đã phát hiện những tác dụng có lợi của vi khuẩn A. muciniphila. Các nhà khoa học chứng minh được vi khuẩn A. muciniphila có thể cải thiện sự rối loạn chuyển hóa và viêm nhiễm ở chuột được nuôi với thức ăn nhiều chất béo. A. muciniphila ngăn chặn hoàn toàn sự phát triển của các rối loạn do chế độ ăn nhiều chất béo gây ra. Đến năm 2016, các nhà nghiên cứu đã xác định thành phần hoạt chất của màng ngoài vi khuẩn A. muciniphila cho phép tái tạo các đặc tính hữu ích chi phối vi khuẩn này. Việc bổ sung thêm các vi khuẩn A. muciniphila sẽ giúp tăng độ dày của lớp dịch nhầy trong ruột, ngăn chặn một số chất đi qua ruột vào máu. Việc này cũng thay đổi các tín hiệu hóa học được phát đi từ hệ thống tiêu hóa, dẫn đến những thay đổi trong cách xử lý chất béo ở các nơi khác trong cơ thể. Các xét nghiệm đã được tiến hành tại bệnh viện Đại học UCL (UCL’s Saint-Luc University Hospital) từ năm 2015 đến tháng 2/2018 trên những người tình nguyện, kết quả sơ bộ cho thấy, vi khuẩn A. muciniphila an toàn, không gây hại.
Sau hơn 10 năm nghiên cứu, GS. Willem M. de và GS. Patrice D. Cani đồng sáng lập A-Mansia vào năm 2016, là doanh nghiệp spin-off từ hai đại học Wageningen và UCL. A-Mansia được xem là một trong những doanh nghiệp khởi nghiệp tiên phong trong lĩnh vực microbiome, dựa trên kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, nhằm khai thác vi khuẩn A. muciniphila đường ruột để phát triển các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng và thuốc từ các hoạt chất phân lập từ loài vi khuẩn này, nhằm phục vụ công tác điều trị các bệnh liên quan đến béo phì và bệnh tiểu đường loại 2. Theo giáo sư Patrice D. Cani: “Đây là cơ hội để phát triển các kết quả nghiên cứu tại hai đại học UCL và Wageningen thành sản phẩm phục vụ cho mọi người”.
Môi trường để A-Mansia tồn tại và phát triển
Đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng để tạo đột phá trong phát triển. Là thành tố quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, các trường đại học phải có nguồn lực nghiên cứu mạnh, là nơi cung cấp tri thức, sáng tạo công nghệ và cung cấp ý tưởng cho các dự án khởi nghiệp, cũng như góp phần giúp gia tăng năng lực phát triển tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp.
Là doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực microbiome đường ruột, A-Mansia ra đời từ nền tảng nghiên cứu sáng tạo của các chuyên gia đầu ngành tại hai đại học châu Âu có tiềm lực nghiên cứu mạnh, nên rất thuận lợi trong việc khởi nghiệp và nghiên cứu gia tăng tài sản trí tuệ. Năng lực nghiên cứu sáng tạo của doanh nghiệp phát triển dựa trên nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng của cả hai đại học: Đại học Wageningen là đại học công lập của Hà Lan, được thành lập năm 1918 (tiền thân là Đại học Nông nghiệp từ năm 1876), có thế mạnh liên kết các học viện nghiên cứu chuyên ngành, tạo ra các đột phá trong nghiên cứu khoa học; Đại học UCL thành lập năm 1425, là đại học lâu đời và danh tiếng tại Bỉ, kể từ năm 1972 đã tạo lập được 76 doanh nghiệp spin-off, trong đó 65 vẫn hoạt động, có 2 công viên khoa học và 4 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp.
Lĩnh vực microbiome và công nghệ của A-Mansia tuy ở trong giai đoạn sớm, nhưng hứa hẹn tiềm năng thị trường rất lớn, nên đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư để phát triển các sản phẩm bổ sung và thuốc từ vi khuẩn A. muciniphila. Ngoài hỗ trợ từ hai trường đại học, A-Mansia nhận được 18 triệu euro trong vòng gọi vốn series A từ các nhà đầu tư: Seventure Partners - công ty đầu tư vốn mạo hiểm hàng đầu trong lĩnh vực microbiome; Fonds Vives II - quỹ tài trợ phát triển từ hoàn thiện công nghệ đến thương mại hóa, qua đầu tư cho các spin-off của UCL; SRIW (Société Régionale d’Investissement de Wallonie) - công ty đầu tư hỗ trợ phát triển vùng Wallonie (miền Nam nước Bỉ); Nivelinvest - công ty phát triển và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở tỉnh Walloon Brabant; Innovation Industries - quỹ đầu tư mạo hiểm có sự hỗ trợ tài chính của Liên minh châu Âu hướng đến các startup công nghệ cao; và các nhà đầu tư tư nhân. Đồng thời, A-Mansia còn nhận được khoản trợ cấp 3 triệu euro từ chính quyền vùng Wallonia cho hoạt động nghiên cứu sáng tạo và phát triển công nghệ.
Tom Schwarz, đại diện Innovation Industries cho biết: “Chúng tôi rất phấn khích khi đầu tư vào A-Mansia”, và “nhờ sở hữu độc quyền tri thức về vi khuẩn A. muciniphila độc đáo, A-Mansia sẽ là đầu tàu cho các giải pháp sức khỏe sáng tạo từ microbiome…”.
Kim Phương (CESTI)