Có thể có nước trên mặt trăng của sao Thổ
17/10/2014
KH&CN nước ngoài
KH&CN quốc tế
Sử dụng các công cụ đo rung động của Mimas, mặt trăng của sao Thổ, các nhà thiên văn học tại trường Đại học Cornell đã suy luận rằng dưới bề mặt băng giá của Mimas có một lõi đá hoặc một đại dương.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một kỹ thuật gọi là
phương pháp đo bằng ảnh nổi để chuyển đổi hình ảnh thu được từ hệ thống hình ảnh của Cassini để đo độ rung động. Trong kỹ thuật này, các nhà thiên văn sử dụng hình ảnh của Mimas mà tàu không gian Cassini chụp tại những thời điểm khác nhau và từ các điểm khác nhau để xây dựng chính xác mô hình 3-D vị trí của hàng trăm điểm tham chiếu bề mặt. Từ đó, các nhà nghiên cứu xác định hình dạng của mặt trăng Mimas và nhận thấy rằng nó không quay đều đặn mà còn hơi rung lắc.
Số lượng các chuyển động rung lắc này chỉ ra rằng cấu trúc bên trong Mimas không đồng đều. Những rung lắc này có thể được tạo ra nếu Mimas chứa một lõi đá hoặc một đại dương tồn tại dưới lớp vỏ đóng băng của nó.
Mimas có đường kính 400 km và có khả năng có một đại dương bao phủ toàn bộ bề mặt của nó dưới lớp vỏ băng giá có độ dày từ 25 đến 30 km.
H.M. (Theo Cornell University)