Một số nội dung từ kết quả điều tra của Ban công tác hỗn hợp
Dữ liệu điều tra
Trong số 55.924 người bệnh (có kết quả xác nhận nhiễm bệnh từ các phòng thí nghiệm) được báo cáo đến ngày 20/2, độ tuổi trung bình là 51 (từ 2 ngày tuổi - 100 tuổi; IQR 39-63 tuổi), trong đó đa phần là từ 30-69 tuổi (77,8%). Trong số này, 51,1% là nam giới, 77,0% từ Hồ Bắc; 21,6% làm nghề nông hoặc lao động khác.
Các con đường lây nhiễm
COVID-19 được lây truyền qua các giọt và các tác nhân lây nhiễm trong quá trình tiếp xúc gần mà không được bảo vệ, giữa người lành và người nhiễm bệnh. COVID-19 không lây qua không khí, tuy nhiên, vẫn có thể lây qua đường khí dung, tại các cơ sở y tế. Phân người bệnh cũng có thể là tác nhân lây nhiễm.
Lây nhiễm trong hộ gia đình
Ở Trung Quốc, việc truyền virus COVID-19 từ người sang người chủ yếu xảy ra ở các gia đình. Trong số 344 ổ dịch, với 1.308 trường hợp mắc bệnh (tổng số nhiễm là 1.836 trường hợp) ở tỉnh Quảng Đông và Tứ Xuyên, hầu hết các ổ dịch xảy ra tại các gia đình (78-85%). Các nghiên cứu sơ bộ tại tỉnh Quảng Đông cho thấy, tỷ lệ lây nhiễm thứ cấp ở các hộ gia đình vào khoảng 3-10%.
Các dấu hiệu, triệu chứng, tiến triển bệnh và mức độ nghiêm trọng
COVID-19 không có các triệu chứng đặc trưng. Từ không có các triệu chứng đặc hiệu, bệnh có thể nhanh chóng làm cho người nhiễm viêm phổi nặng và tử vong. Tính đến ngày 20/2, các dấu hiệu và triệu chứng điển hình của các bệnh nhân trong số 55.924 ca nhiễm, bao gồm: sốt (87,9%), ho khan (67,7%), mệt mỏi (38,1%), có đàm (33,4%), khó thở (18,6%) %), đau họng (13,9%), nhức đầu (13,6%), đau cơ hoặc đau khớp (14,8%), ớn lạnh (11,4%), buồn nôn hoặc nôn (5,0%), nghẹt mũi (4,8%), tiêu chảy (3,7%), ho ra máu (0,9%) và xung huyết kết mạc (0,8%).
Những người mắc COVID-19 thường phát triển các dấu hiệu và triệu chứng hô hấp nhẹ và sốt, trung bình 5-6 ngày sau khi nhiễm bệnh. Hầu hết những người bị nhiễm virus COVID-19 đều bị bệnh nhẹ và hồi phục. Khoảng 80% bệnh nhân mắc bệnh từ nhẹ đến trung bình, gồm các trường hợp không viêm phổi và viêm phổi, 13,8% bị bệnh nặng (khó thở, tần số hô hấp ≥ 30/phút, độ bão hòa oxy máu ≤ 93%, tỷ lệ PaO2/FiO2 < 300, và/hoặc thâm nhiễm phổi > 50% trường phổi trong vòng 24-48 giờ) và 6,1% là nguy kịch (suy hô hấp, sốc nhiễm trùng và/hoặc rối loạn chức năng/suy đa tạng).
Lây nhiễm khi không triệu chứng đã được ghi nhận, nhưng tương đối hiếm. Những người có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao là những người trên 60 tuổi và những người mắc các bệnh tiềm ẩn (như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp mãn tính và ung thư). Bệnh ở trẻ em cũng tương đối hiếm và nhẹ, với khoảng 2,4% tổng số bệnh nhân. Tỷ lệ người dưới 19 tuổi bị chuyển biến nặng hoặc nguy kịch cũng rất thấp (2,5% và 0,2%).
Tính đến ngày 20/2, tỷ lệ tử vong bình quân (CFR) trong số 55.924 ca bệnh đã nêu là 3,8%.
CFR thay đổi tùy theo vị trí và mức độ lây nhiễm (ở Vũ Hán lên đến 5,8%, trong khi ở các khu vực khác ở Trung Quốc chỉ khoảng 0,7%). CFR cũng cao hơn khi đang trong giai đoạn đầu bùng phát bệnh (17,3% trong khoảng thời gian từ 1/1-10/1) và giảm dần, còn 0,7% đối với các bệnh nhân mắc bệnh sau ngày 1/2, nhờ các điều kiện chăm sóc y tế đã được đáp ứng tốt hơn.
Tỷ lệ tử vong tăng theo độ tuổi, cao nhất là những người trên 80 tuổi (CFR 21,9%). CFR cao hơn ở nam so với nữ (4,7% so với 2,8%).
Theo nghề nghiệp, bệnh nhân là người về hưu có CFR cao nhất, ở mức 8,9%. Nếu bệnh nhân không rơi vào tình trạng rối loạn hành vi (hôn mê), CFR là 1,4%. Bệnh nhân có tình trạng rối loạn hành vi có CFR cao hơn nhiều. CFR cũng thay đổi theo từng nhóm bệnh nền, 13,2% cho những người mắc bệnh tim mạch, 9,2% cho bệnh tiểu đường, 8,4% cho cao huyết áp, 8,0% cho bệnh hô hấp mãn tính và 7,6 % cho bệnh ung thư.
Các dữ liệu ban đầu cũng cho thấy, thời gian trung bình từ khi phát bệnh đến khi phục hồi lâm sàng là khoảng 2 tuần (các trường hợp nhẹ), và 3-6 tuần (bệnh nhân mắc bệnh nặng hoặc nguy kịch). Thời gian từ khi phát bệnh đến bệnh nặng là 1 tuần. Các bệnh nhân đã chết có thời gian từ khi phát bệnh đến tử vong là 2-8 tuần.
Một số khuyến nghị của Ban công tác hỗn hợp
Đối với các quốc gia đã có trường hợp lây nhiễm, hoặc đã phát dịch COVID-19
1. Kích hoạt ngay lập các biện pháp xử lý quốc gia ở mức cao nhất để có các giải pháp dự phòng cần thiết nhằm ngăn chặn COVID-19;
2. Ưu tiên tập trung phát hiện tất cả các trường hợp dương tính, xét nghiệm và cách ly ngay lập tức, truy dấu lịch sử di chuyển và cách ly chặt các trường hợp có tiếp xúc gần;
3. Thông tin đầy đủ cho công chúng về mức độ nghiêm trọng của COVID-19 và vai trò của cộng đồng trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch;
4. Tăng cường khả năng giám sát, phát hiện các khả năng lan truyền COVID-19, kiểm tra tất cả các bệnh nhân bị viêm phổi chưa có biểu hiện; tiến hành sàng lọc các bệnh nhân mắc bệnh hô hấp trên và/hoặc phơi nhiễm với COVID-19 gần đây; thêm xét nghiệm virus COVID-19 vào hệ thống giám sát dịch bệnh hiện hữu (ví dụ như hệ thống giám sát bệnh cúm và SARI); và
5. Xây dựng kế hoạch, kịch bản mô phỏng đa ngành để triển khai các biện pháp chặt chẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn khả năng lây lan của bệnh, khi cần thiết (ví dụ: tạm dừng các cuộc tụ họp quy mô lớn và đóng cửa trường học và nơi làm việc).
Đối với công chúng
1. Phải nhận thức được COVID-19 là loại bệnh có thể được kiểm soát bằng các biện pháp phù hợp, đại đa số người nhiễm bệnh sẽ hồi phục;
2. Thực hiện ngay các biện pháp phòng ngừa COVID-19, bằng cách rửa tay thường xuyên và luôn che miệng và mũi khi hắt hơi hoặc ho;
3. Thường xuyên theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng của COVID-19 (ví dụ như sốt và ho khan), vì sẽ có các biện pháp xử lý tốt hơn, nếu thông tin về bệnh được theo dõi hàng ngày; và
4. Sẵn sàng, tích cực hỗ trợ công tác phòng chống COVID-19 bằng nhiều biện pháp, kể cả việc "thực hiện cách ly" và giúp đỡ những người cao tuổi, vốn có nguy cơ cao.
Tuấn Kiệt (Theo Report of the WHO-China Joint Mission on Coronavirus Disease 2019)