SpStinet - vwpChiTiet

 

Mô hình sản xuất sinh khối Artemia làm thức ăn cho thủy sản

Mô hình ứng dụng nuôi sinh khối Artemia trong bể composite 5m3 cho năng suất sinh khối Artemia thu hoạch là 7,8 kg. Mô hình có thể triển khai sản xuất để phục vụ nhu cầu làm thức ăn trong ương nuôi giống thủy sản và nuôi cá cảnh mà không phụ thuộc vào tính mùa vụ và vùng nuôi.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Artemia từ lâu đã được biết đến là loại thức ăn tươi sống, giàu dinh dưỡng cho các đối tượng thủy sản. Trong đó, sinh khối Artemia tươi sống là nguồn thức ăn tươi sống phù hợp, an toàn cho cá cảnh. Artemia có hàm lượng đạm cao hơn 60%, 40-70% protein, 10-30% lipid, nhiều acid béo và các acid amin cần thiết lớn đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cho các loài cá cảnh có giá trị kinh tế. Mặt khác, sinh khối Artemia có nhiều kích cỡ khác nhau nên phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng của cá và có ưu thế là ít gây ô nhiễm môi trường nước nuôi so với việc sử dụng các loại thức ăn nhân tạo. Artemia cũng chứa một lượng lớn các sắc tố carotenoid, nên phù hợp cho lên màu sắc tự nhiên các loài cá cảnh. Hơn nữa, quá trình phát triển của Artemia có các kích cỡ khác nhau có thể làm thức ăn thích hợp cho từng giai đoạn phát triển của ấu trùng tôm cá. Ngoài dạng sinh khối có thể sử dụng làm thức ăn tươi sống trực tiếp cho tôm cá, trứng bào xác của Artemia (Cyst) có thể dự trữ được nhiều năm ở dạng sấy khô để đáp ứng nhu cầu cho các thị trường trong và ngoài nước với giá khá cao.

Artemia không phân bố tự nhiên ở Việt Nam, năm 1982 nó được du nhập vào Việt Nam thông qua bước đầu thử nghiệm nuôi Artemia (từ dòng ở vịnh San Francisco, Mỹ) ở Nha Trang. Năm 1984, trường Đại học Cần Thơ tiến hành thí nghiệm nuôi Artemia thu trứng bào xác ở vùng ven biển Vĩnh Châu (Sóc Trăng) và Bạc Liêu. Đến năm 1990 đối tượng này được sản xuất đại trà cho các hộ diêm dân và trở thành hai vùng trọng điểm cung cấp trứng bào xác Artemia có chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài nước.

Hiện nay, nuôi sinh khối Artemia tập trung chủ yếu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nên việc cung cấp nguồn sinh khối tại TP.HCM còn hạn chế, giá thành còn cao, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất thủy sản (chủ yếu là cá cảnh tại TP.HCM). Trong năm 2012 và 2018, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao đã tiến hành nghiên cứu nuôi sinh khối Artemia và ghi nhận được qui trình nuôi sinh khối ở quy mô 300 lít. Mô hình sản xuất sinh khối Artemia ở quy mô 5m3 được triển khai giúp tăng năng suất sinh khối Artemia, phục vụ cho nuôi trồng thủy sản.

Quy trình và phương pháp thực hiện

1. Vị trí xây dựng mô hình

Mô hình sản xuất sinh khối Artemia được xây dựng ở vị trí thuận tiện cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại, nguồn điện,…để thuận lợi trong việc vận hành trại và giao dịch. Môi trường nước và đất không bị ô nhiễm bởi các chất thải công và nông nghiệp như hóa chất, dầu khí, kim loại nặng, thuốc trừ sâu,… Diện tích xây dựng tùy thuộc vào mục đích sử dụng.

2. Nguồn nước

Nguồn nước mặn là yếu tố quan trọng quyết định cho toàn bộ quá trình hoạt động sản xuất của mô hình. Chất lượng nước phải đảm bảo các chỉ tiêu sau: độ mặn 35‰; nhiệt độ 28-300C; pH 7,5-8,5; DO trong nước từ 5,00-5,34 ppm; kim loại nặng < 0,01 mg/l; NH4+–N < 0,1 mg/l; NO2–N < 0,01 mg/l.

Nước nuôi được bơm trực tiếp từ hệ thống kênh cấp nước vào bể lắng 5m3, diệt khuẩn bằng Chlorin A 30 ppm có sục khí mạnh 24-48 giờ. Sau đó bơm qua bể chứa 5m3 thông qua hệ thống lọc thô (gồm 2 cột lọc bằng composite chứa đầy vật liệu lọc cát và than hoạt tính có công suất 4 m3/giờ) và nước từ bể 5m3 sẽ được dùng cung cấp cho hệ thống nuôi. Ở những nơi không có nguồn nước biển thì có thể dùng nước ót hoặc muối để pha nước có độ mặn phù hợp cho nuôi sinh khối Artemia.

3. Thiết kế mô hình

Mô hình sản xuất được thiết kế phù hợp với năng lực sản xuất sinh khối Artemia. Mô hình này được xây dựng với quy mô bể 5m3 và số lượng bể là 4 bể. Ngoài ra trong trại còn phải có các thiết bị khác như: máy bơm nước, ống dẫn nước, van các loại, hệ thống sục khí, dụng cụ đo độ mặn, pH, kính hiển vi, nhiệt kế, cân, thau, xô, ca,…

4. Vận hành mô hình sản xuất sinh khối Artemia quy mô 5m3

Sơ đồ quy trình:

Thuyết minh:

Bước 1. Chuẩn bị bể nuôi

Bể sử dụng để nuôi sinh khối Artemia là bể composite có thể tích 5m3, hình chữ nhật, có lỗ thoát nước ở đáy bể. Bể được đặt ở nơi hạn chế ánh nắng và nước mưa. Bể nuôi và các dụng cụ được vệ sinh bằng cách ngâm với Chlorine với nồng độ 200ppm trong thời gian một ngày, sau đó được rửa sạch lại bằng nước ngọt và phơi khô. Sau đó, tiến hành lắp đặt hệ thống khí cho bể nuôi với số lượng 4 dây khí/bể để đảm bảo cung cấp đủ lượng oxy (>5 mg/L) cho bể nuôi.

Bước 2. Chuẩn bị nước nuôi Artemia

Nước nuôi Artemia là nước đã xử lý được cấp vào bể nuôi với thể tích là 3,5m3, chỉ tiêu chất lượng nước: pH 7,0-7,5, độ mặn 35‰. Độ mặn của nước được thiết lập bằng cách pha muối nước ót vào nước giếng cho đến khi đạt mức yêu cầu.

Bước 3. Ấp trứng

Trứng Artemia sử dụng là Artemia Vĩnh Châu cho ấu trùng khỏe và hiệu suất nở cao đạt 300.000 ấu trùng/g. Dựa vào công thức số gram trứng cần ấp (g) = (DxV)/300.000. Trong đó, D: mật độ nuôi (cá thể/L); V: thể tích nuôi (L) và 300.000: hiệu suất nở của trứng.

Dụng cụ ấp là bình nước có thể tích 21 lít. Cung cấp ánh sáng bằng đèn neon liên tục trong suốt quá trình ấp trứng, đèn đặt cách xô ấp 20 cm. Nhiệt độ ấp 28-300C; độ mặn 35‰; sục khí mạnh và liên tục. Sau 24 giờ, quan sát thấy trứng đã nở thì tiến hành thả giống. Lúc này đa số ấu trùng ở giai đoạn Instar I (khả năng thích ứng cao với những biến đổi của môi trường), rất thuận lợi trong việc cấy thả.

Bước 4. Thả giống

Với thể tích tích nuôi là 3,5m3 và mật độ nuôi là 1.500 con (Nauplius)/lít thì cần 17,5 gram trứng và mật độ Artemia đạt được là 5,25 triệu cá thể/bể. Giống sau khi ấp nở được lọc bỏ vỏ rồi đem thả ở giai đoạn Instar I vào lúc trời mát. Trước khi thả giống thì lấy nước trong bể nuôi cho chảy từ từ vào xô đựng giống cho giống quen dần với nước trong bể nuôi. Sau đó thả vào vị trí các quả khí nhằm tránh trường hợp giống bị vón cục khi thả vào bể nuôi.

Bước 5. Phương pháp làm thức ăn và cách cho ăn

Sử dụng thức ăn để nuôi Artemia là 50% thức ăn tôm kết hợp với 50% cám gạo đã lên men Saccharomyces cerevisiae với hàm lượng men 0,5ppm. Cân cám gạo và men theo đúng tỉ lệ (hàm lượng men 0,5ppm), hòa tan men với nước sau đó trộn đều với cám gạo, đem hỗn hợp đi ủ 24 giờ. Thức ăn được ủ khoảng 24 giờ có thể cho Artemia ăn bằng cách: đong 100ml nước có độ mặn 35%o khuấy đều với cám ủ, sau đó đem lọc qua lưới 50μm, dùng cốc thủy tinh 250ml để cho Artemia ăn. Thức ăn còn lại được trữ trong tủ lạnh.

Bước 6. Chế độ chăm sóc

Liều lượng và cách cho ăn: số lần cho ăn là 2 lần/ngày với thời gian cho ăn lúc 8h và 14h. Sục khí nhẹ giúp cho ấu trùng bắt mồi dễ.

Liều lượng cho ăn theo kiểu thỏa mãn bằng cách quan sát màu nước bể nuôi, biểu hiện bơi lội của Artemia và sự hiện diện thức ăn trong đường ruột (nếu thức ăn bị đứt quãng thì lượng thức ăn đưa vào không đủ và phải bổ sung thêm, ngược lại nếu nước có biểu hiện dơ, màu nước trắng đục lâu trong trở lại thì lượng thức ăn được điều chỉnh giảm).

Tùy thuộc vào chất lượng nước của bể nuôi, tiến hành thay 30% nước mới khi quan sát thấy nước có độ đục trắng, thức ăn lắng xuống đáy bể hoặc phân Artemia thải ra môi trường nước khá nhiều. Bên canh đó, men EM gốc còn được bổ sung vào bể để kiểm soát chất lượng nước trong bể. Hơn nữa, sử dụng dây sục khí và đĩa phối khí đưa xuống tận đáy bể để quá trình di chuyển của khí sẽ làm cho thức ăn không bị lắng tụ xuống đáy, như vậy hiệu quả lọc của Artemia sẽ tốt hơn.

Bước 7. Chế độ thu hoạch sinh khối Artemia

Sinh khối Artemia ở các bể nuôi được thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Artemia trưởng thành rất thích hợp làm thức ăn cho các loài cá cảnh có giá trị kinh tế cao hoặc cá cảnh bố mẹ đang trong giai đoạn thành thục và sinh sản như cá dĩa, cá ông tiên Albino.

Thông thường, trong bể nuôi Artemia sau 15-18 ngày thường có ấu trùng Artemia, do vậy phương pháp thu hoạch Artemia trong giai đoạn này có ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Áp dụng phương pháp thu tỉa và thu những con Artemia tiền trưởng thành, phần còn lại thì Artemia sẽ tham gia sinh sản tạo ra ấu trùng và được tiếp tục nuôi cho những lần thu hoạch sau. Năng suất sinh khối Artemia thu hoạch từ mô hình này là 7,8 kg.

Phương pháp thu hoạch: sinh khối được thu hoạch bằng vợt thu có kích thước (50x70 cm), mắt lưới: 2a=1mm. Trước khi thu hoạch thì tắt sục khí để Artemia nổi và tập trung lên mặt nước để thu hoạch dễ hơn, sau đó dùng vợt vớt Artemia ra thau, tùy theo kích cỡ thu hoạch mà dùng vợt có kích thước mắc lưới cho phù hợp. Tùy vào mục đích sử dụng mà người nuôi thu Artemia phù hợp với kích cỡ đối tượng nuôi. Nếu dùng cho cá con thì thu Artemia non sau khi thả nuôi được 3 hoặc 5 ngày; nếu dùng cho cá giống thì thu Artemia giai đoạn tiền trưởng thành sau 7 và 11 ngày nuôi. Artemia trưởng thành dùng làm thức ăn cho cá bố mẹ hoặc cá thương phẩm.

Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế

Mô hình nuôi sinh khối Artemia trên bể composite có nhiều ưu điểm hơn so với nuôi ruộng muối (ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long) như: luôn chủ động tạo ra sinh khối mà không phục thuộc vào mùa vụ (ruộng muối chỉ nuôi được vào mùa nắng); chủ động thu hoạch sinh khối theo nhiều kích cỡ khác nhau phục vụ cho ương nuôi các loài thủy sản; tái sử dụng nguồn nước từ đó giảm chi phí cho sản xuất; sinh khối Artemia không mang mầm bệnh, là thức ăn tốt cho ương nuôi các loài thủy sản; không tốn nhiều diện tích nên rất phù hợp cho từng hộ sản xuất nhỏ để chủ động cung cấp thức ăn cho đối tượng thủy sản nuôi.

Mô hình sản xuất sinh khối Artemia trên bể quy mô 5m3, với phương pháp thu hoạch định kỳ 7 ngày/lần và thu 50% sinh khối cho năng suất cao (7,8 kg), phù hợp ứng dụng thực tế để chủ động cung cấp thức ăn cho các trại giống và khu ương nuôi giống thủy sản. Phương pháp thu hoạch định kỳ 7 ngày/lần và thu tỉa 50% sinh khối sẽ tạo điều kiện cho Artemia trưởng thành tham gia sinh sản tạo ra ấu trùng cho những đợt nuôi sau, từ đó làm giảm chi phí con giống, chi phí nước nuôi và mang lại hiệu quả cao trong sản xuất.

Người nuôi cũng có thể chủ động thu Artemia theo từng giai đoạn để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của động vật thủy sản. Artemia non sau khi thả nuôi từ 3 đến 5 ngày có kích thước 1,87-3,92 cm phù hợp với cá con, sang giai đoạn Artemia tiền trưởng thành kích thước từ 6,07-7,96 cm thì phù hợp cho cá kích thước lớn hơn, Artemia trưởng thành có kích thước từ 8,77-9,04 cm phù hợp cho cá bố mẹ.

Chi phí sản xuất sinh khối Artemia theo mô hình này chỉ khoảng 150-160 ngàn đồng/kg, thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất của hộ dân (khoảng 300 ngàn đồng/kg).

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

1. ThS. Nguyễn Thị Kim Liên

ĐT: 0983499015. Email: lienkimnguyen85@gmail.com        

2. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao

Địa chỉ: Ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Điện thoại: 0286 8862726.

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả