Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Cà chua có nguồn gốc từ Nam Mỹ, hiện được trồng ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, cây cà chua được trồng và tiêu thụ trên khắp cả nước. Hàng năm, diện tích chiếm 7-10% diện tích rau cả nước và chiếm 3-4% sản lượng rau. Riêng năm 2000, diện tích và sản lượng rau cà chua chiếm 29% tổng diện tích và sản lượng rau cả nước. Là nước có sản lượng sản xuất ngành rau quả lớn thứ ba trên thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ, FAO-2012), năm 2012 diện tích trồng cà chua của Việt Nam đạt 23.917 ha, tăng 11,3% so với năm 2010 (21.178 ha). Năng suất trung bình 252,6–257,9 tạ/ha, sản lượng 616.890 tấn (tương đương bình quân đầu người đạt 7,3 kg/năm).
Ở các tỉnh của đồng bằng sông Hồng và miền Nam là tỉnh Lâm Đồng, diện tích trồng cà chua tại tỉnh Hưng Yên là 482 ha, sản lượng 9.248 tấn (năm 2009). Tỉnh Lâm Đồng có điều kiện khí hậu đất đai thuận lợi cho việc sản xuất rau quanh năm, có độ cao 1.000m so với mặt nước biển, khí hậu ôn hòa mát mẻ rất thích hợp với các chuẩn loại rau ôn đới và á nhiệt đới. Nhiều cơ sở sản xuất rau tại đây đã được chứng nhận chứng chỉ GlobalGAP, sản phẩm rau cũng đã xuất khẩu đến các thị trường các nước Đông Nam Á như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, đồng thời, cung ứng cho nhu cầu thị trường trong nước (các tỉnh niềm Nam, đặc biệt là TP.HCM). Trong đó cây cà chua chiếm vị trí đứng đầu với diện tích 5.140 ha và sản lượng 221.820 tấn.
Cà chua bi (solanum lycopersicum L.) nhóm sinh trưởng vô hạn thường được dùng như rau tươi trong bữa ăn hàng ngày. Quả cà chua bi có chứa nhiều sắc tố lycopen và carotene, có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều gluxit, các chất chống oxy hóa như lycopen, vitamin C, có dược tính (mát), giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Quy trình tổ chức thực hiện
Chuẩn bị nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt
Nhà màng
Nhà màng được sử dụng gồm các loại nhà màng 1 cửa thông gió cố định (mái che nylon, xung quanh có lưới chắn côn trùng) hoặc nhà màng 2 cửa thông gió cố định (trên mái có 2 phía cửa sổ lưu thông gió).
Trong nhà màng sử dụng hệ thống lưới che mát và hệ thống phun sương và quạt thông gió để làm mát bên trong nhà màng. Dây treo cà chua bằng nylon (màu trắng hay đen). Sử dụng ròng rọc để tạo dây leo cho cây cà chua.
Trước khi trồng cây phải vệ sinh nhà màng bằng cách lau chùi mái. Sử dụng nước và xà bông (hoặc nước rửa chén) để lau rửa rong rêu trên mái nhằm đảm bảo ánh sáng đầy đủ cho cây trồng bên trong.
Hệ thống tưới nhỏ giọt
- Hệ thống tưới nhỏ giọt đơn giản gồm máy bơm (tưới nước), bộ lọc (lọc rêu, cặn trong dung dịch dinh dưỡng), van từ (van tự động đóng/mở đường ống tưới và timer (hẹn giờ tưới trong ngày). Bồn dung dịch dinh dưỡng.
- Hệ tưới nhỏ giọt hiện đại (dùng hệ điều hành, điều khiển từ xa qua PC hay điện thoại thông minh) gồm: dung dịch mẹ, nước. Tự động hút dung dịch, nước để cung cấp cho cây trồng.
Quy trình trồng
Chọn giống
Chọn giống có khả năng chịu nhiệt, phù hợp điều kiện phía Nam như RS72191 (trái chùm, chín đỏ) hay Picota (năng suất cao).
Chuẩn bị cây con
Gieo cây con vào khay xốp 50 lỗ. Bỏ giá thể (70% mụn dừa, 20% phân trùn quế và 10% tro trấu) vào khay. Mỗi lỗ gieo 1 hạt, rải giá thể 1 lớp mỏng lên trên. Sau khi gieo, đưa vào ủ kín 5-7 ngày cho hạt nảy mầm. Sau khi hạt nảy mầm, đưa khay xốp lên giàn cho cây lên đều. Tưới nước vào buổi sáng và chiều mát. Thời gian trong vườn ươm 14-18 ngày. Khi cây đạt 2 lá thật thì đưa cây xuống vườn trồng.
Thời gian cây trong vườn ươm thường gặp bị bệnh chết cây con (điều trị bằng thuốc Mancozeb) hoặc bọ phấn trắng (phun phòng trừ bằng thuốc Ascend hoặc Radiant).
Chuẩn bị giá thể trồng
Sử dụng túi trồng cây 2 lớp (trong đen, ngoài trắng), kích thước 18x36cm. Giá thể gồm mụn dừa 70% (ngâm xả liên tục 7-10 ngày), trấu hun 10% (đổ đống, xả nước), phân trùn quế 20%. Trộn hỗn hợp rồi cho vào túi đóng bầu.
Trồng cây
Cây được trồng vào chiều mát. Đặt cây vào giữa bầu, cắm ống tưới nhỏ giọt cạnh giá thể. Mật độ trồng 1.800-2.000 cây/1.000m2. Khoảng cách lối đi 1,2-1,5m; khoảng cách 2 hàng đơn 40cm; khoảng cách giữa các cây 30-40cm.
Chế độ nước và phân bón
Nước tưới và dinh dưỡng được cung cấp bằng hệ thống tưới nhỏ giọt, pH nước từ 5,5-6,5 (không nhiễm mặn, phèn và kim loại nặng). Khi pha dung dịch dinh dưỡng (phân bón) phải đảm bảo tan hoàn toàn trong nước, không có kết tủa để cây có thể hấp thụ. Thường xuyên kiểm tra EC và pH
- Giai đoạn 1 (trồng-ra hoa): nước 0,5-1,0 lít/cây/ngày; EC 1,5-2
- Giai đoạn 2 (đậu quả-thu hoạch): nước 1,5-2,5 lít/cây/ngày; EC 2-2,5
Chăm sóc
Sau khi trồng cà chua trong bầu từ 7-10 ngày thì cố định cây, tỉa bỏ chồi ở nách lá. Hoa cà chua là lưỡng tính, khi trồng trong nhà màng, khoảng 8-9 giờ sáng cần rung thân cây cà chua để cây tăng khả năng đậu quả. Cà chua bi sinh trưởng vô hạn, chỉ để 1 thân chính trên 1 cây, thường xuyên tỉa các cành bên ra từ nách lá và quấn ngọn bằng dây (khoảng 2 ngày thực hiện 1 lần). Cà chua bi chỉ để trái trên thân chính. Cắt bỏ chùm hoa đầu tiên, chỉ để từ chùm thứ 2 trở đi. Để trái chín đồng đều, số quả để trên chùm chỉ từ 16-20 quả, tỉa bỏ số quả ở cuối ngọn.
Sau khi trồng khoảng 40-50 ngày thì bắt đầu có trái chín bói. Tỉa các lá già từ chùm chín trở xuống để hạn chế sâu bệnh hại và cung cấp ánh sáng đầy đủ, giúp cho trái chín đều và đẹp. Khi cà chua bi sinh trưởng vô hạn phát triển đến đỉnh giàn, tiến hành hạ cây bằng cách thả dây và tiếp tục quấn đọt.
Phòng trừ sâu bệnh hại
- Bọ phấn trắng và ruồi đục lá: bọ phấn trắng hút nhựa, làm hại cây, ruồi đục lá giúp nấm và vi khuẩn xâm nhập gây bệnh cho cây). Biện pháp phòng trừ: vệ sinh vườn trồng sạch; nhổ cỏ dại và ký chủ xung quanh vườn; sử dụng bẫy ruồi vàng, thuốc BVTV phun luân phiên)
- Héo xanh: do vi khuẩn gây ra. Khi cây đang sinh trưởng, nắng lên lá bị héo, cụp xuống, buổi tối tươi lại. tình trạng này lặp lại khoảng 2-3 ngày thì cây chết. kiểm tra bằng cách cắt ngang thân se thấy mạch dẫn của cây chuyển sang màu nâu. Khi đem đoạn thân cắt ngang vào nước sẽ thấy dịch vi khuẩn màu đục tiết ra. Bệnh lây lan qua nước hay các dụng cụ chăm sóc. Phòng trừ bằng cách sử dụng giống kháng bệnh, dùng gốc ghép trên cà dại hay cách ly giữa bầu trồng với nền giá thể, không sử dụng nước không đảm bảo để tưới cho cây, dùng thuốc Kasumin, Starner hay Visen để phun phòng, trị bệnh cho cây
- Mốc sương: do vi khuẩn gây ra, tác hại lên lá, thân và quả. Bệnh xuất hiện có màu nâu ở mép lá và lan vào bên trong, phía dưới vết bệnh có lớp bào tử màu trắng, mỏng như sương vào sáng sớm. Bệnh trên thân có vệt nâu và lan rộng, hơi lõm và bao quanh thân. Khi bệnh trên quả sẽ xuất hiện đốm nâu nhỏ trên quả cà chua xanh, bệnh phát triển sẽ khiến bên trong quả sẽ bị thối. Phòng trừ bằng cách thường xuyên vệ sinh vườn trồng; cắt tỉa, thu gom các lá bị bệnh để tiêu hủy; sau khi thu hoạch cần thu gom tất cả các phụ phẩm để xử lý. Có thể dùng thuốc Mancozeb, Aliette để phun phòng
Thu hoạch
Sau khi trồng 60-65 ngày cây cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài 4-5 tháng, tùy theo điều kiện chăm sóc cây. Khi chùm quả chín hoàn toàn, thu hoạch bằng cách cắt nguyên chùm, tránh làm giập.
Vệ sinh nhà màng sau thu hoạch
Sau khi thu hoạch cần vệ sinh toàn bộ nhà màng và vườn trồng; dùng các thuốc xử lý nhà màng như chlorine hoặc TH4 phun xịt toàn bộ và xung quanh nhà màng để hạn chế sâu bệnh hại cho vụ tiếp theo.
Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế
- Quy trình được sản xuất trong nhà màng, do đó ít phụ thuộc vào thời vụ trồng, giảm sâu bệnh gây hại nên giảm lượng thuốc BVTV, sản phẩm an toàn cho người sử dụng, tăng giá trị sử dụng trên 1 đơn vị diện tích, giảm ô nhiễm môi trường.
- Phân bón được cung cấp theo hệ thống tưới giúp cây trồng dễ hấp thu. Tăng hiệu quả sử dụng phân bón.
- Tạo sản phẩm đạt an toàn, có độ tin cậy cao đối với người tiêu dùng, tăng khả năng thâm nhập thị trường và tăng hiệu quả cạnh tranh.
- Lợi nhuận đem lại khi trồng cà chua bi trên giá thể, áp dụng tưới nhỏ giọt, trồng trong nhà màng khoảng 40-50 triệu đồng/1.000 m2/vụ (tương đương 600-700 triệu đồng/ha/năm). Giá cả và đầu ra ổn định.
Mô hình bước đầu cho thấy có hiệu quả rõ rệt nên khả năng nhân rộng rất lớn. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi nhu cầu sản phẩm rau an toàn ngày càng cao. Bên cạnh đó, để thích ứng với biến đổi khí hậu thì đây là mô hình rất phù hợp.
Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ
Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Nông nghiệp công nghệ cao
Ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3886 2726, 3537 5910
Email: nghiencuu.ahtp@tphcm.gov.vn
Xem video giới thiệu tại đây