SpStinet - vwpChiTiet

 

Mô hình trồng rau ăn lá bằng phương pháp thủy canh hồi lưu

Trồng rau thủy canh là phương thức trồng cây trong dung dịch dinh dưỡng mà không cần đất, có rất nhiều ưu điểm như: chỉ sử dụng 1/10 lượng nước tưới so với trồng ngoài đất, dinh dưỡng được cung cấp đầy đủ và tối ưu cho cây, hạn chế dịch hại, đặc biệt những dịch hại có nguồn gốc từ đất, rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây, hạn chế hoặc không dùng thuốc bảo vệ thực vật, không tốn công lao động làm cỏ, chuẩn bị đất và có thể trồng liên tục nhiều vụ trong một năm.

 

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Sản xuất rau an toàn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn trong việc quy hoạch diện tích trồng nhằm nâng sản lượng rau an toàn lên gấp đôi để đảm bảo cung cấp khoảng 70% nhu cầu rau xanh của thành phố.

Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn tại TP.HCM giai đoạn 2016–2020 theo Quyết định số 231/QĐ-UBND ngày 20/01/2016 của UBND TP.HCM có nội dung tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất rau an toàn phù hợp với sản xuất nông nghiệp đô thị, với mục tiêu ứng dụng các kĩ thuật tiên tiến trong sản xuất rau an toàn nhằm giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm công lao động, giảm giá thành sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế. Trong đó, tập trung vào nội dung nhân rộng các mô hình cơ giới hóa, hiện đại hóa trong sản xuất rau an toàn, ứng dụng các kĩ thuật canh tác không dùng đất và trồng rau thủy canh. Với nhiều ưu điểm nổi trội, trồng rau thủy canh cho thấy là giải pháp giúp giải quyết tốt các bài toán đã nêu.

 

Quy trình, phương pháp tổ chức thực hiện

Chọn giống

Chọn giống rau ăn lá phổ biến: cải ngọt, cải xanh, xà lách, rau muống…

Chuẩn bị giàn thủy canh

Hệ thống thủy canh được thiết kế theo các thông số kĩ thuật như sau:

Thông số kĩ thuật

Hệ thống thủy canh hồi lưu N.F.T

Kích thước khung sắt

900x6.000x1.500 mm

Máy bơm

0,5 mã lực

Thùng chứa

90-100 lít

Kích thước ống

Dài 6.000 mm

Số lỗ

196

Độ dốc

1/50 chiều dài máng

Cơ chế vận hành

Dung dịch dinh dưỡng được bơm đến nơi cao nhất của mỗi ống trồng và tự chảy với tốc độ 2-3 lít/phút đến nơi thấp nhất và được gom trong thùng chứa rồi quay vòng trở lại. Chiều cao mức nước từ 5-10 mm.

Chuẩn bị giá thể trồng cây

Giá thể trồng cây có thể sử dụng xơ dừa hoặc mút xốp.

Xơ dừa được xử lý bằng cách sử dụng 5kg vôi pha với 200 lít nước sạch để ngâm 10 bao mụn xơ dừa (khoảng 300 chậu mụn xơ dừa có chiều cao x đường kính là 15x12) trong 5-7 ngày, sau đó xả lại 2-3 lần nước sạch (2 ngày xả 1 lần).

Gieo hạt và chuẩn bị cây con

  • Gieo hạt

Để hạt giống nảy mầm đạt tỉ lệ cao nhất, trước khi gieo nên ngâm hạt với nước ấm (45–50℃) trong thời gian 2-3 giờ. Sau đó gieo trực tiếp lên các ly nhựa chứa giá thể hoặc mút xốp đã chuẩn bị sẵn. Dùng màng nilon hoặc lưới che tối phủ kín các khay ươm hạt cho đến khi hạt nảy mầm. Tưới phun sương ngày 2 lần để giữ ẩm.

Khi hạt nảy mẩm từ 2-3 ngày tiến hành gỡ bỏ lưới che phủ ra và chăm sóc trong thời gian 10 ngày trước khi đưa lên giàn trồng.

  • Chuyển cây lên giàn thủy canh

Chọn những cây khỏe mạnh, không nhiễm nấm, bệnh chuyển lên giàn thủy canh. Chú ý không làm cho cây bị gãy, dập lá, hoặc đứt rễ.

  • Dinh dưỡng

Sử dụng công thức dinh dưỡng như sau :

STT

Tên

Công thức

Lượng (g/1.000L)

1

A - Calcium Nitrate (Tetrahydrate)

Ca(NO3)2.4H2O

980

2

A - Iron EDTA

Fe(EDTA)

19,23

3

A - Potassium Nitrate

KNO3

529

4

B - Ammonium Orthomolybdate

(NH4)2MoO4

0,02

5

B - Ammonium Sulfate

(NH4)2SO4

66

6

B - Boric Acid

H3BO3

2,86

7

B - Copper Sulfate (pentahydrate)

CuSO4.5H2O

0,079

8

B - Magnesium Sulfate (Heptahydrate)

MgSO4.7H2O

493

9

B - Manganese Sulfate (Monohydrate)

MnSO4.H2O

1,54

10

B - Potassium Monobasic Phosphate

KH2PO4

120

11

B - Zinc Sulfate (Dihydrate)

ZnSO4.2H2O

0,151

Giai đoạn cây con (10-20 NSG): dung dịch dinh dưỡng trong thùng chứa được bơm lên các ống, máng thủy canh với tốc độ 1–2 lít/phút. Điều chỉnh pH = 5,5-6,5 và EC = 1,0-1,5 dS/cm 2 ngày/lần và thay mới dung dịch dinh dưỡng 1 tuần/lần.

Giai đoạn cây lớn (20–35 NSG): tăng dung dịch dinh dưỡng để đạt EC = 1,5-2,0 và pH =5,5-6,5. Điều chỉnh pH bằng NaOH (tăng độ pH) hoặc H3PO4 (giảm độ pH).

Chăm sóc

Tùy thuộc vào thời tiết và tình hình sinh trưởng của cây mà lượng nước trong hệ thống sẽ giảm do bay hơi và cây tiêu thụ. Do vậy, định kỳ 2 ngày phải kiểm tra lượng nước trong thùng chứa và trên máng để bổ sung kịp thời. Nguồn nước sử dụng để pha dung dịch dinh dưỡng và nước bổ sung cho hệ thống giàn rau trong suốt thời gian nuôi trồng phải là nước sạch.

Trong suốt giai đoạn trồng thủy canh, thường xuyên kiểm tra pH và EC của dung dịch dinh dưỡng trong bể chứa và điều chỉnh khi cần thiết, luôn đảm bảo pH là 5,5-6,5 và EC là 1,0-2,0 tùy từng giai đoạn.

Thường xuyên tỉa bỏ lá già, ưu tiên áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), các biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), hạn chế tối đa việc sử dụng các hóa chất BVTV.

Khi cần thiết phải sử dụng thuốc BVTV, ưu tiên sử dụng những thuốc có tính chọn lọc, độ độc thấp, nhanh phân giải trong môi trường và có thời gian cách ly ngắn.

Thu hoạch rau

Ngưng cung cấp dinh dưỡng trước khi thu hoạch 5-7 ngày.

Sau gieo từ 35–40 ngày, cây rau có thể thu hoạch được.

Nên thu hoạch vào buổi sáng (trước 9 giờ) hoặc buổi chiều (sau 16 giờ) để giữ cho rau được tươi ngon.

 

Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế

Ưu điểm

  • Ứng dụng hệ thống thủy canh có thể sản xuất rau quanh năm, năng suất tổng cộng trong năm cao gấp nhiều lần so với trồng thông thường.
  • Trồng rau thủy canh không cần làm đất, cày bừa, nhổ cỏ,tưới nước,… nên tiết kiệm được công lao động.
  • Trồng rau thủy canh thực hiện trong nhà màng nên hạn chế được sâu bệnh, góp phần tiết kiệm chi phí thuốc BVTV, không gây ô nhiễm môi trường.
  • Sản phẩm rau hoàn toàn sạch, chất lượng rau tươi ngon, nhiều dinh dưỡng.

Hiệu qu kinh tế

Chi phí đầu tư sản xuất: xây dựng nhà màng 1.000 m2: 220 triệu; hệ thống thủy canh hồi lưu 640 triệu; hạt giống 1năm: 20 triệu; vật tư nguyên liệu 45 triệu (1 vụ); công lao động 60 triệu (1 năm).

Năng suất rau thành phẩm trung bình đạt 1-1,2 tấn/1.000m2/tháng, lợi nhuận thu được từ 12-15 triệu đồng/1.000m2/tháng, với giá bán 30.000 - 40.000 đồng/kg rau.

 

Thông tin liên hệ chuyên gia hỗ trợ

Phòng Thực nghiệm Cây trồng – Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM

2374 QL 1A, Phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, TP.HCM

Điện thoại : (28) 37 155 739               

Email: tncaytrong@gmail.com