Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Theo các tài liệu khoa học rau mầm có giá trị dinh dưỡng cao gấp 5 lần rau thường. Rau mầm dễ trồng, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trồng trong môi trường sạch không có mầm bệnh và vi sinh vật gây hại.
Dịch vụ cung cấp vật tư và kỹ thuật để trồng rau mầm rất phong phú, đa dạng và ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của cộng đồng – đặc biệt ở các đô thị lớn.
Quy trình, phương pháp tổ chức thực hiện
Dụng cụ và vật liệu trồng
Giống
Có thể trồng rau mầm bằng nhiều loại hạt giống rau khác nhau như: Củ cải trắng, cải ngọt, cải xanh, rau muống, hạt mè đen, các loại đậu xanh, đậu nành, đậu đen, đậu phộng…Nhưng phổ biến nhất hiện nay là củ cải trắng do dễ trồng và dễ tiêu thụ.
Khay
Có thể sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau tùy điều kiện sẵn có của mỗi gia đình như khay tre, khay nhựa, khay xốp…Loại khay sử dụng tiện lợi nhất là khay xốp (loại khay xốp dùng để đựng trái cây được mua từ các vựa bán trái cây). Khay xốp có nhiều kích thước khác nhau nhưng phổ biến nhất là khay có kích thước 40x50x7cm.
Khay xốp 40x45x70cm
Kệ
Tùy theo kích thước khay mà đóng kệ có kích thước cho phù hợp. Có thể đóng kệ bằng gỗ hoặc kệ sắt loại có lỗ (3x5cm) để tiện cho việc lắp ráp. Nên thiết kế kệ có 4 tầng, khoảng cách giữa các tầng là 40 cm, chiều sâu của kệ là 40 cm vừa đủ để đặt khay rau mầm, khoảng cách giữa tầng đầu tiên và mặt đất là 25-30 cm để hạn chế những sinh vật như: cóc, chuột, kiến vào khay.
Kệ gỗ và kệ sắt
Đất trồng (giá thể)
Là loại giá thể thường được sản xuất từ xơ dừa, thường đã gần có đủ dinh dưỡng nên trong quá trình trồng có thể bổ sung thêm một số loại phân bón trung vi lượng khác.
Giá thể trồng rau mầm là sơ dừa cần được xử lý bằng vôi và ngâm rửa sạch sau đó trộn với phân hữu cơ vi sinh liều lượng 20 kg phân vi sinh/m3 xơ dừa. Sau khi trộn xong, thường xuyên tưới giữ ẩm trước khi xuống giống (chi phí đầu tư phân vi sinh cho 1m3 hỗn hợp khoảng 160.000đ)
Bình xịt dùng tưới
Khăn giấy
Dùng để lót trên bề mặt giá thể trước khi gieo hạt, mục đích của việc lót giấy trên mặt giá thể trước khi gieo để khi thu hoạch rau mầm sẽ không bị dính giá thể vào rau. Dùng loại khăn giấy "Khăn ăn cao cấp 2 lớp Pulppy" kích thước 33x33cm. Ngoài việc dùng khăn giấy lót trên bề mặt giá thể, khăn giấy còn dùng để lót vào hộp thành phẩm đựng rau mầm.
Khăn giấy
Bìa giấy Carton
Dùng để đậy khay trong 1-2 ngày đầu mới gieo hạt.
Thao tác trồng và chăm sóc
Ngâm - ủ hạt giống
Hạt giống phải được ngâm ủ trước khi gieo, ngâm trong nước ấm thời gian từ 6-8 giờ, sau đó ủ trong khăn ẩm từ 10-12 giờ.
Mục đích của việc ngâm ủ hạt giống:
- Rút ngắn thời gian sinh trưởng.
- Loại bỏ tạp chất, hạt lép còn lẫn trong hạt giống.
- Tỷ lệ nảy mầm cao và đồng đều.
Hạt giống đã ngâm nước 2 giờ chuẩn bị đem ủ
Gieo hạt
- Cho vào khay trồng một lớp giá thể 3-4 cm, dùng tay vò nát những cục lợn cợn trong giá thể, phả nhẹ cho bằng phẳng, tưới nước cho ướt giá thể. Lót lên bề mặt khay lớp khăn giấy mỏng để rau không bị dơ trong quá trình thu hoạch.
Khay chứa giá thể dầy 2 -3 cm (chuẩn bị gieo hạt giống để trồng)
- Gieo hạt giống đã ngâm - ủ nứt nanh vào khay đã chuẩn bị sẵn bằng các bước ở trên. Tùy theo giống mà lượng giống cần dùng khác nhau như: củ cải trắng: 60-80g/khay 40x50cm; đậu xanh: 60-80g/khay 40x50cm.
Khay rau mầm 1 ngày tuổi
- Sau khi gieo tưới phun sương nhẹ và dậy kín khay lại bằng giấy carton. Hoặc chất chồng các khay lên nhau nhằm mục đích giữ ẩm giảm sự bốc hơi nước, kích thích sự nảy mầm nhanh hơn.
Ủ rau mầm trong 2 ngày đầu sau khi gieo giống
- Khoảng 12-18 giờ sau giở giấy đậy ra tưới phun sương mặt khay từ 1-2 lần/ngày, không tưới vào buổi chiều.
Khay rau mầm 2 ngày tuổi
Khay rau mầm 3 ngày tuổi
Khay rau mầm 4 ngày tuổi
Khay rau mầm 5 ngày tuổi (chuẩn bị thu hoạch)
- Thu hoạch: Sau 5-7 ngày trồng, rau mầm cao 8-12cm là thu hoạch.
Cách thu hoạch: dùng kéo hoặc dao (loại dao dùng để rọc giấy) cắt sát bề mặt giá thể xếp ngay ngắn vào hộp nhựa trong (loại hộp đựng được 200g) đưa đi tiêu thụ hoặc bảo quản trong tủ lạnh.
Hộp rau mầm thành phẩm
Lưu ý: rau sau khi thu hoạch không được rửa, không bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh.
- Trồng đợt mới: Sau khi thu hoạch giá thể có thể tái sử dụng trồng lại lần 2 bằng cách xới lên, lượm sạch phần thân, rễ bổ sung thêm giá thể mới vào cho đủ lượng cần dùng giá thể cần xử lý phân bón vi sinh trước khi bổ sung vào. Nếu tái sử dụng nhiều lần phải bón bổ sung thêm phân bón vi sinh liều lượng 20kg/m3 nguyên liệu (xơ dừa) nhằm ngăn chặn việc phát sinh mầm bệnh ở các lần sau. Giá thể sau khi trồng rau mầm được sử dụng cho cây kiểng và các loại cây trồng khác và cũng cần bón bổ sung thêm phân bón hữu cơ vi sinh và phân chuồng.
Mô hình trồng rau mầm
Một số điều cần lưu ý:
- Rau mầm phải trồng ở nơi thoáng mát có nhiều ánh sáng nhưng không trồng ở nơi có ánh nắng, mưa trực tiếp và gió lùa.
- Sau khi gieo 1-2 ngày giở giấy carton ra, tưới phun sương nhẹ vừa đủ ướt mặt khay. Nên tưới vào buổi sáng không tưới vào buổi chiều và tối vì dư nước rau dễ bị úng, ngã.
- Một (1) ngày trước khi thu hoạch giảm tưới hoặc ngưng tưới hẳn tùy theo mức độ ẩm của giá thể.
- Do thời gian thu hoạch ngắn và giá thể trồng đã có đầy đủ dinh dưỡng nên trong quá trình chăm sóc rau mầm chỉ cần tưới nước vừa đủ cho cây mà không cần phải bón bổ sung bất kỳ nguồn dinh dưỡng (phân bón) nào khác.
- Nên sử dụng giống tốt (hạt đồng đều, tỷ lệ nẩy mầm cao, không có lẫn hạt lép và tạp chất, sạch bệnh) để trồng. Giống chất lượng kém dễ bị bệnh thối nhũn. Nếu bị bệnh phải hủy bỏ, rửa sạch khay đem phơi khô để cách ly mầm bệnh. Không được sử dụng thuốc trừ sâu hóa học để phun vì không đảm bảo thời gian cách ly, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng rau.
Ưu điểm công nghệ. Hiệu quả kinh tế
Ưu điểm
- Trồng rau mầm đơn giản, dễ dàng
- Trồngrau mầm không cần không gian rộng lớn
- Giữ được sự tươi nguyên của rau, giá trị dinh dưỡng cao nhất của rau
Hiệu quả
- Chi phí tính theo diện tích trồng (cm2): Lần đầu: 10.000–15.000 đồng/trọn gói/1.500cm2, thu được 400-450g rau mầm. Chi phí các lần kế tiếp: 7.000–8.000đ/lần trồng/cho 1.500cm2. Sản phẩm thu được tương tự (400-450g rau mầm).
- Giá thể đã trồng có thể tiếp tục sử dụng bằng cách xới lên, nhặt hết phần rễ còn lại, cho thêm giá thể bổ sung mới vô đầy dụng cụ trồng và bổ sung thêm phân bón vi sinh liều lượng 20kg/m3 nguyên liệu hoặc thay toàn bộ bằng giá thể mới và tiếp tục trồng đợt rau mầm mới. Giá thể đã qua nhiều đợt trồng sẽ dùng để trồng các loại rau hoặc các loại hoa kiểng khác, chỉ cần bổ sung thêm phân bón hữu cơ vi sinh và phân chuồng.
Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ
Họ và tên: Nguyễn Thành
Nơi công tác: Trung tâm Khuyến nông TP.HCM
Điện thoại: (028) 3931 3016 – 0913 165 701
Email: thongtinquangba@khuyennongtphcm.com