Mọi thứ đều chuyển động, bạn cũng phải liên tục chuyển động để tại vị; còn nếu muốn đạt đến điều gì đó, bạn phải nỗ lực gấp đôi.
Nữ hoàng đỏ (NHĐ) là nhân vật trong tác phẩm "Nhìn qua gương soi" (Through the Looking Glass, 1871), phần tiếp theo của Alice ở xứ sở thần tiên (Alice's Adventures in Wonderland,1865) của nhà văn người Anh Charles Lutwidge Dodgson dưới bút danh Lewis Carroll. Trong một phân đoạn nổi tiếng, NHĐ nắm tay Alice kéo chạy như bay, nhưng dù chạy nhanh như thế, họ vẫn còn ở chỗ cũ. Lewis Carroll đã cho NHĐ giải thích về nguyên tắc ở xứ sở thần tiên như sau: "Ở đây, bạn phải chạy liên tục để giữ nguyên vị trí. Nếu muốn đến được nơi khác, bạn phải chạy nhanh hơn ít nhất gấp đôi".
Khi Lewis Carroll sáng tác phân đoạn này, có lẽ ông đang nghĩ đến tốc độ thay đổi ở xã hội nước Anh thời bấy giờ. Nếu còn sống đến ngày nay hẳn ông sẽ rất kinh ngạc khi thấy nguyên tắc này đang được áp dụng, mà tốc độ thay đổi thậm chí còn nhanh hơn.
Lấy cảm hứng từ phân đoạn trên, năm 1973 nhà sinh vật học tiến hóa người Mỹ Leigh Van Valen đã đưa ra thuyết Hiệu ứng Nữ hoàng đỏ để giải thích cho quy luật đào thải hay việc đồng tiến hóa:
"...một hệ thống tiến hóa cần liên tục phát triển để duy trì sự thích nghi tương ứng với các hệ thống phát triển đồng thời với nó."
Van Valen quan sát thấy sự tiến hóa sinh vật giống như ở xứ sở thần tiên, các loài tiến hóa trong một hệ sinh thái tương tác và "sự sống sót của cá thể thích nghi tốt nhất" của Darwin chính là sự thích nghi di truyền trong cuộc chiến tiến hóa thú săn và con mồi, chứ không phải tiến hóa trong môi trường riêng lẻ. Các loài phát triển đáp lại sự tiến hóa của hệ sinh thái và việc cùng tiến hóa giúp giữ trạng thái cân bằng cho đến khi có sự đột phá đem đến lợi thế đáng kể cho thú săn hoặc con mồi.
Ví dụ như việc cùng tiến hóa của dơi (thú săn) và côn trùng (con mồi). Như chúng ta biết, dơi "nhìn thấy" bằng siêu âm. Nhờ cơ chế này chúng phát hiện được côn trùng. Dơi sử dụng cơ chế hết sức tinh vi này với các tần số đặc biệt để bẫy con mồi một cách cực kỳ chính xác. Một số côn trùng đã tiến hóa có thể phát hiện các bước sóng siêu âm này và thực hiện chế độ bay xoắn ốc ngẫu nhiên, khiến hệ thống của dơi khó phát hiện để tránh bị bắt. Nghe có vẻ khó tin, một số con dơi đã tiến hóa nhận biết hành vi này của côn trùng, khi phát hiện sóng dội về bất thường thì lập tức thay đổi tần số siêu âm để làm côn trùng bối rối... Ở đây, chúng ta thấy sự liên tục thích nghi giữ cân bằng giữa dơi và côn trùng để duy trì sự ổn định trong quá trình tiến hóa. Chu trình tiến hóa không có điểm dừng, và điểm cốt yếu đó là tốc độ thích nghi với những biến đổi môi trường.
… Và đổi mới đột phá
Liên tục đổi mới để thích nghi với môi trường biến đổi không ngừng, sự cạnh tranh gay gắt ở bối cảnh hiện nay không khác gì ở xứ sở thần tiên.
Áp lực cạnh tranh khiến cho người ta phải luôn tìm cách cải thiện kỹ năng chuyên môn hay hiệu suất hoặc sản phẩm của công ty. Những cải tiến này giúp cho cá nhân hay công ty có được lợi thế so với đối thủ, vì vậy tạo áp lực lên đối thủ buộc họ cũng phải tìm cách cải tiến. Khi đối thủ cải tiến, họ cạnh tranh mạnh mẽ hơn, và chu trình cứ thế tiếp diễn. Ở đây chúng ta lại thấy, tốc độ thích nghi là yếu tố then chốt: chậm chân thì bị loại (không “chạy” hay không thích nghi tất nhiên bị loại sớm).
Khi công ty thép Hàn Quốc Posco áp dụng tiến trình "FINEX", cải tiến này nâng mức cạnh tranh trong lĩnh vực thép trên toàn cầu lên một tầm cao mới và bất kỳ công ty thép nào muốn tham gia thị trường cũng phải chạy theo, mức độ cạnh tranh đến nay vẫn không giảm. Tương tự, khi Qualcomm làm cuộc cách mạng truyền dẫn không dây kỹ thuật số với công nghệ CDMA, hãng đã tạo áp lực buộc tất cả các công ty khác trong ngành phải đáp trả. Apple, Samsung, Nokia, Ericsson, LG và nhiều công ty khác đã cùng đua trong nhiều năm.
Kết quả? Đối với các công ty tham gia, có thể họ thấy như mình đang dẫm chân tại chỗ khi so sánh vị thế tương đối với những công ty khác. Nhưng ở góc độ người tiêu dùng, chúng ta nhìn thấy chuỗi sản phẩm sau:
Điều này có vẻ như là sự phát triển tất yếu, nhưng không hẳn. Mỗi thay đổi trên chặng đường phát triển được thực hiện bởi một công ty cố gắng làm tốt hơn, và lần lượt nâng tầm của công ty khác. Nhờ vậy, tính năng định vị trên điện thoại ngày một tốt hơn, chụp hình ngày một đẹp hơn, pin sạc ngày một nhanh hơn …
Nhưng cũng giống như sự tiến hóa của thế giới tự nhiên, các công ty không phát triển trong môi trường riêng biệt. Còn có các “kẻ thù” khác, rồi nào là thị trường thay đổi, khủng hoảng tài chính, thiên tai, ... Những công ty có khả năng nắm bắt cơ hội sẽ thâu tóm thị phần của những công ty mắc kẹt trong cuộc đua NHĐ.
Biết bao công ty cố gắng giữ vị trí dẫn đầu bằng thần chú “đổi mới” để rồi chi tiêu quá nhiều chỉ để bảo vệ vị trí mà họ đã có bấy lâu rồi sau đó bừng tỉnh quá muộn khi nhận ra một cái gì đó thực sự sáng tạo đã vượt qua họ. Ví dụ như Kodak và máy ảnh kỹ thuật số, Nokia và điện thoại thông minh cảm ứng, Microsoft và máy tính bảng ... minh chứng cho lý thuyết đổi mới (sáng tạo) đột phá của Giáo sư Harvard Clayton Christensen (tác giả cuốn sách nổi tiếng The Innovator’s Dilemma).
Nếu bạn đang mắc kẹt trong cuộc đua NHĐ, để thoát đi, hãy vận dụng lời khuyên sau:
“.... ở đây bạn cần nỗ lực chạy để giữ nguyên chỗ. Nếu muốn đến được nơi khác, bạn phải chạy nhanh hơn ít nhất gấp đôi!"
Những công ty chiến thắng trong cuộc chơi đổi mới là những công ty luôn nhìn về phía trước, rà soát thị trường và sẵn sàng nắm bắt cơ hội ....mà không đeo đuổi cạnh tranh hạn hẹp. Liệu điện thoại thông minh (smartphone) có xuất hiện nếu như Apple chỉ bám riết việc cải tiến điện thoại di động thế hệ cũ?
Một lời khuyên khác từ Van Valen, chính yếu tố “di truyền lạ” là chìa khóa đem đến lợi thế cạnh tranh. Trong quan điểm đổi mới, điều này có nghĩa nếu bạn có một tâm trí cởi mở và sẵn sàng chấp nhận những ý tưởng từ bên ngoài tổ chức của mình, thì bạn sẽ tạo nên một môi trường năng động và đầy sức mạnh, làm cho các đối thủ cạnh tranh phải quay lại điểm bắt đầu hoặc biến mất, giống như khủng long hay Kodak.
PHƯƠNG UYÊN, STINFO số 7/2015
Tải bài này về tại đây.