“Ngay cả những công ty tên tuổi cũng chưa chắc có được người giỏi nhất”, quy luật này sẽ sớm hết thiêng.
Giới công nghệ thích các quy luật. Bộ xử lý máy tính (CPU) có Luật Moore, mạng máy tính có Luật Metcalfe, còn đường truyền Intrenet thì có Luật Gilder. Và rồi chúng ta có Luật Joy, một quy luật hơi khó hiểu được đặt theo tên người đồng sáng lập hãng Sun Microsystems, Bill Joy. Joy được cho là đã phát biểu quy luật sau: “Dù bạn có là ai, hầu hết những người tài giỏi nhất làm việc cho ai đó khác" (ý nói bất chấp công ty có tên tuổi thế nào đi nữa cũng chưa chắc tuyển được người giỏi nhất).
Trong nhiều thập kỷ, quy luật về sự khan hiếm nhân tài luôn đúng, cả vì lý do kinh tế lẫn địa lý. Vấn đề không chỉ vì “cái giá” của nhân tài mà còn vì những rào cản khác trong thị trường lao động làm cho các công ty khó tìm được đúng người mình cần, cả về trình độ lẫn kỹ năng.
Tuy nhiên Luật Joy có thể sẽ sớm hết "thiêng". Một làn sóng các dịch vụ mới đang mang lại sự đổi mới cho thị trường lao động, mở ra cơ hội cho bất kỳ công ty nào cũng có thể tuyển được nhân tài (với giá thỏa đáng). Điển hình như Kaggle.
Được thành lập vào năm 2010, Kaggle là nền tảng trực tuyến phục vụ cho việc tổ chức các cuộc thi khai thác dữ liệu và xây dựng mô hình dự báo. Một công ty nào đó có thể phối hợp với Kaggle để đưa lên mạng một mớ dữ liệu cùng với bài toán đặt hàng để cộng đồng các nhà khoa học của site này đề xuất giải pháp.
Điểm quan trọng là các “thí sinh" được quyền chỉnh sửa tới lui giải pháp của mình, thúc đẩy họ và cộng đồng nỗ lực tìm kiếm giải pháp tốt hơn cho đến tận hạn chót.
Đủ mọi công ty như MasterCard, Pfizer, Allstate, Facebook và cả NASA đều tham gia tổ chức cuộc thi trên Kaggle. Ví dụ như Công ty General Electric tài trợ cuộc thi viết phần mềm thiết lập đường bay hiệu quả hơn cho hãng hàng không; hay công ty Practice Fusion (chuyên về công nghệ sức khỏe) tài trợ một cuộc thi khác nhằm xác định các bệnh nhân bị bệnh tiểu đường loại 2 dựa trên hồ sơ y tế.
Giải thưởng cho giải pháp thắng cuộc trong khoảng từ 3.000 đến 250.000 USD. Cá biệt có giải thưởng trị giá đến 3 triệu USD đã được Heritage Provider Network trao hồi tháng 6 năm nay.
Chìa khóa then chốt của Kaggle là cộng đồng 85.000 nhà khoa học dữ liệu (có lẽ ít người biết trên thế giới lại có nhiều nhà khoa học dữ liệu đến như vậy!) đã tham gia các cuộc thi và từng người được xếp hạng theo kỹ năng và kết quả tham dự các cuộc thi. Chuyên viên thống kê người Pháp sống tại Singapore, Xavier Conort hiện nắm giữ vị trí số 1 (Xavier đã thắng 6 giải và đứng trong top 10 nhiều lần). Khi bài này được thực hiện, Joshua Moskowitz, một người Mỹ vừa tham gia vài phút trước nằm ở cuối bảng xếp hạng. Nhưng chỉ vài tháng sau Joshua có thể thách thức vị trí của Xavier.
Mọi người đều có cơ hội. Bất kỳ “thí sinh” nào, dù có ở xa xôi cách trở đến đâu đi nữa đều có thể “định giá” tài năng của mình so với những người đứng đầu cùng lĩnh vực. Hơn nữa, trong các diễn đàn của Kaggle, các “thí sinh” có thể trao đổi và trau dồi kỹ năng. Một lập trình viên giỏi có thể tăng thứ hạng nhanh chóng bằng cách ghi điểm tốt trong hai hoặc ba cuộc thi.
Tuy nhiên, dịch vụ Kaggle Connect mới chính điểm thực sự đột phá của Kaggle. Dịch vụ này hoạt động như một "bà mối", nơi đó khách hàng (công ty) có vấn đề nào đó có thể thuê nhà khoa học phù hợp để giải quyết, ứng viên có thể chọn từ những “ngôi sao” của Kaggle.
Điều đó có nghĩa là giờ đây bạn có thể thuê Xavier, hoặc một trong những nhà khoa học tốt nhất trên thế giới - nếu bạn có đủ khả năng trả lương cho họ. Hoặc nếu ngân sách hạn hẹp, bạn có thể xuống phía dưới danh sách chọn người có thứ hạng thấp hơn, nhưng vẫn được Kaggle “đóng dấu” chất lượng.
Ở mức độ nào đó, Kaggle là một dạng "crowdsourcing", khai thác bộ não toàn cầu để giải quyết một vấn đề lớn nào đó. Dạng khai thác nguồn lực đám đông này đã có cả chục năm nay hoặc hơn, ít nhất là từ thời Wikipedia (hoặc xa hơn, từ thời Linux, v.v..). Các công ty như TaskRabbit và oDesk đã tạo công ăn việc làm cho đám đông nhiều năm nay. Nhưng Kaggle hơn thế. Thứ nhất, những người tham gia Kaggle làm việc không chỉ vì mục đích “thiện nguyện”: họ muốn giành chiến thắng và muốn cải thiện thứ hạng của mình để có cơ hội tốt hơn trên thị trường việc làm. Thứ hai, Kaggle không chỉ tạo ra công ăn việc làm mà còn tạo ra thị trường việc làm mới cho các chuyên gia. Không giống như các lao động thời vụ truyền thống, thành viên Kaggle là những “ngôi sao”. Và sự đột phá này sẽ làm cho Luật Joy hết “hiệu nghiệm”.
Thứ hạng Kaggle đã trở thành một thước đo quan trọng trong giới khoa học dữ liệu. Các công ty như American Express và New York Times đã bắt đầu liệt kê thứ hạng Kaggle như một “chứng chỉ” cần thiết trong quảng cáo tìm kiếm nhân tài của mình. Nó không chỉ là “huy hiệu” mà còn là chỉ số về năng lực, có ý nghĩa quan trọng và giá trị hơn các tiêu chuẩn truyền thống về trình độ và chuyên môn. Bằng cấp từ các trường đại học danh tiếng và lý lịch làm việc tại những công ty tên tuổi như IBM có thể không có ý nghĩa bằng điểm số Kaggle. Nói cách khác, công việc có thể “đo đếm” và “thứ hạng” của bạn trên thị trường giá trị hơn nơi bạn làm việc. Bản “CV” (Curriculum Vitae – lý lịch làm việc) rồi sẽ không còn cần nữa?
Kaggle tạo nên một loại thị trường lao động mới, nơi mà kỹ năng được tách bạch khỏi những “ủy nhiệm thư” không đủ tin cậy là bằng cấp và lý lịch. Đây thực sự là bước thay đổi lớn.
Khoa học dữ liệu và phần mềm máy tính đặc biệt phù hợp cho thị trường như vậy. Sản phẩm kỹ thuật số có thể dễ dàng đo lường cả về chất lượng và tính hiệu quả. Nhưng điều này không có nghĩa là các lĩnh vực khác không phù hợp. Cũng giống như phần mềm nguồn mở lúc đầu có vẻ như chỉ làm việc với mã lệnh máy tính. Nhưng sau đó mô hình này bắt đầu được áp dụng cho các ngành công nghiệp khác.
Không khó tìm thấy những cái tên khác đang tạo dựng thị trường lao động đột phá tương tự: 99Designs đã tạo được cộng đồng các “thí sinh” thiết kế, và đã trao các giải thưởng trị giá 51 triệu USD cho các nhà thiết kế đạt thành tích cao (trung bình 1,8 triệu USD mỗi tháng). Còn HealthTap thì có cộng đồng 30.000 bác sĩ sử dụng thời gian rảnh của mình để trả lời các câu hỏi liên quan đến sức khỏe của bệnh nhân, và được ghi điểm cho đóng góp của họ. Ron Gutman, người sáng lập HealthTap gọi đây là "thị trường môi giới bác sĩ", kết nối nhu cầu thị trường cần chuyên gia tư vấn chăm sóc sức khỏe với “hàng hóa” có sẵn là các bác sĩ có thời gian rảnh. Công ty này mới mở thêm dịch vụ ClubMD dành riêng cho các bác sĩ nổi tiếng.
Thậm chí các nghề nghiệp có vẻ như không thể định lượng được cũng có thể “môi giới”. Ví dụ như luật sư, làm thế nào đánh giá họ? Bạn có thể xếp hạng luật sư bởi số lần thắng án, hoặc thẩm phán theo số vụ xử. Gần như mọi nghề nghiệp đều có thước đo nào đó cho sự thành công, không chỉ kết quả mà cả quá trình.
Như vậy, luật Joy không còn “thiêng” nữa.
P. UYÊN (theo The Atlantic), STINFO số 9/2013