SpStinet - vwpChiTiet

 

Văn bản quy phạm liên quan đến công nghệ cao

 

Luật Công nghệ cao được Quốc hội ban hành năm 2008 xác định: “Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có”. Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống văn bản tương đối hoàn chỉnh cho việc phát triển đối với lĩnh vực này. Sau đây là một số văn bản mới ban hành về tiêu chí xác định doanh nghiệp, nguồn nhân lực, vật lực và kỹ thuật công nghệ cao. 
 

 

Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao
 

Ngày ban hành: 15/06/2015
 

Ngày có hiệu lực: 01/08/2015
 

Quyết định 19/2015/QĐ-TTg quy định doanh nghiệp công nghệ cao là doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí tại Điểm a và b Điều 75 Luật Đầu tư, đồng thời đáp ứng 3 tiêu chí sau:


- Doanh nghiệp phải có doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hàng năm.


- Tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hàng năm đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đạt ít nhất 1%. Đối với các doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số lao động trên 300 người tỷ lệ này phải đạt ít nhất 0,5%.


- Doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đạt ít nhất 5% số lượng lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp có nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số lao động trên 300 người, tỷ lệ này phải đạt ít nhất 2,5% nhưng không thấp hơn 15 người.
 

Quyết định 19/2015/QĐ-TTG cũng quy định các doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành (ngày 0/1/8/2015) mà chưa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao thì thực hiện theo tiêu chí quy định tại Quyết định này.

 


Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: về việc phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển


Ngày ban hành: 25/11/2014


Ngày có hiệu lực: 15/01/2015


Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg về việc phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.


Theo Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg, từ ngày 15/01/2015, Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển sẽ bao gồm 58 công nghệ thay vì 46 công nghệ như trước đây; trong đó, có các công nghệ mới như: công nghệ trí tuệ nhân tạo; công nghệ dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn; công nghệ truyền hình tương tác, công nghệ truyền hình lai ghép; công nghệ điện tử linh hoạt (FE); công nghệ khoan thế hệ mới trong thăm dò dầu khí và công nghệ thiết kế, chế tạo máy nông nghiệp thế hệ mới; công nghệ thiết kế, chế tạo khuôn mẫu kỹ thuật độ chính xác cao; công nghệ thiết kế, chế tạo các hệ thống thiết bị quang học tiên tiến; công nghệ thiết kế, chế tạo các thiết bị phục vụ chẩn đoán và điều trị bằng hình ảnh dùng trong y tế, thiết bị y tế sử dụng công nghệ hạt nhân, thiết bị tiêm truyền dịch tự động; công nghệ gia công vật liệu bằng siêu âm, tia lửa điện, plasma, laser; công nghệ xử lý bề mặt và hàn trong môi trường đặc biệt; công nghệ tiệt khuẩn nhiệt độ thấp; công nghệ xử lý chất thải rắn y tế nguy hại bằng microwave, plasma; công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống vi cơ điện tử (MEMS), hệ thống nanô cơ điện tử (NEMS) và cảm biến theo nguyên lý mới;…


Bên cạnh đó, sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển từ 76 sản phẩm tăng lên 114 sản phẩm, trong đó có các sản phẩm như: hệ điều hành cho máy tính, các thiết bị di động; hệ quản trị cơ sở dữ liệu; phần mềm nền tảng cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng; phần mềm đảm bảo an ninh, an toàn mạng và bảo mật thông tin ở mức cao; phần mềm nhận dạng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, cử chỉ, chuyển động, ý nghĩ và sinh trắc học; hệ thống thiết bị ngôi nhà thông minh; hệ thống thiết bị điều khiển giao thông thông minh; vật liệu và sản phẩm cấy ghép, can thiệp vào cơ thể con người...


Đối với các công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao không nằm trong các Danh mục nêu trên nhưng thuộc trường hợp cấp thiết phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thì Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

 


Thông tư số 13/2015/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: hướng dẫn trình tự, thủ tục công nhận tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn


Ngày ban hành: 25/03/2015


Ngày có hiệu lực: 10/05/2015


Từ ngày 10/5/2015, trình tự, thủ tục công nhận tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn được thực hiện theo quy định tại Thông tư 13/2015/TT-BNNPTNT do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới ban hành.


Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến công nhận tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.


Thông tư này không điều chỉnh các nội dung: việc công nhận giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản; việc khảo nghiệm, thử nghiệm, đăng ký lưu hành vật tư nông nghiệp thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.


Điều kiện công nhận tiến bộ kỹ thuật bao gồm:


- Đối với tiến bộ kỹ thuật tạo ra công nghệ, giải pháp mới phải đáp ứng các điều kiện sau: có tính mới, tính sáng tạo, tính ổn định và cạnh tranh cao; sản phẩm phải được chứng nhận chất lượng đạt yêu cầu, giảm thiểu tác động đến môi trường, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên, có triển vọng mở rộng sản xuất, góp phần ổn định an sinh xã hội.


- Đối với tiến bộ kỹ thuật tạo ra công nghệ, sản phẩm nhằm cạnh tranh hoặc thay thế sản phẩm tương tự đã có được công nhận trong thời gian gần nhất, bên cạnh những yêu cầu như đối với tiến bộ kỹ thuật tạo ra công nghệ, giải pháp mới, còn phải đáp ứng các điều kiện: Tiết kiệm tối thiểu 5% chi phí sản xuất và năng suất vượt trên 10%.
 

Và trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày có Quyết định thành lập Hội đồng hoặc Tổ chuyên gia, cơ quan công nhận tiến bộ kỹ thuật tổ chức họp thẩm định tiến bộ kỹ thuật. Việc thẩm định tiến bộ kỹ thuật thực hiện theo một trong hai hình thức:


- Hội đồng tư vấn công nhận tiến bộ kỹ thuật (gọi tắt là Hội đồng): có 07 hoặc 09 thành viên gồm chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký, 02 (hai) ủy viên phản biện và các ủy viên.


- Tổ chuyên gia tư vấn công nhận tiến bộ kỹ thuật (gọi tắt là Tổ chuyên gia): có 03 hoặc 05 thành viên, gồm: tổ trưởng, thư ký và các ủy viên. Tổ trưởng (là lãnh đạo cơ quan) và thư ký thuộc cơ quan công nhận tiến bộ kỹ thuật.
 

Thông tư cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có tiến bộ kỹ thuật được công nhận. Theo đó, tổ chức, cá nhân có tiến bộ kỹ thuật được công nhận có quyền được quảng cáo, công bố và chuyển giao kết quả áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo quy định của pháp luật; có quyền khiếu nại, tố cáo về các hành vi vi phạm về quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân có tiến bộ kỹ thuật được công nhận có nghĩa vụ chịu trách nhiệm về xuất xứ và các tài liệu liên quan của tiến bộ kỹ thuật; có quy trình hướng dẫn kỹ thuật và văn bản báo cáo địa phương nơi triển khai thực hiện tiến bộ kỹ thuật biết để phối hợp quản lý, theo dõi.


TƯỜNG MINH, STINFO số 7/2015

Tải bài này về tại đây.


Các tin khác: